📞

Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động cùng ASEAN ứng phó các thách thức

Hà Phương 10:07 | 28/07/2022
Với tinh thần trách nhiệm và tích cực, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng cùng ASEAN đương đầu trước những khó khăn.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam “chèo lái con thuyền” ASEAN vững vàng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Chèo lái con thuyền” vững vàng

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng nổ, gây ra xáo trộn và thách thức rất lớn đối với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam vẫn “chèo lái con thuyền” ASEAN vững vàng, duy trì được các hoạt động của ASEAN thông qua hình thức trực tuyến và thúc đẩy bình thường tiến trình xây dựng cộng đồng.

Nước Chủ tịch Việt Nam cùng các nước thành viên, các đối tác đã tổ chức hơn 550 cuộc họp, bằng hình thức trực tuyến - bán trực tuyến, thông qua số lượng kỷ lục các văn kiện. Riêng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã tổ chức thành công 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện được thông qua. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.

Dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Việt Nam, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, các nước thành viên đã duy trì đà xây dựng Cộng đồng, thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã biến năm 2020 trở thành một năm sôi động với những nỗ lực liên kết khu vực không mệt mỏi, cùng sự hỗ trợ của các nền tảng kết nối số. “Trái ngọt” của những nỗ lực kết nối này chính là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020.

Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 là một phép thử quan trọng về năng lực phục hồi của ASEAN và khả năng dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, ASEAN bước qua năm 2020 đầy khó khăn với nhiều những thành quả đáng tự hào. Nhiều sáng kiến của năm 2020 trở thành nền tảng cho hoạt động của ASEAN trong những năm tiếp theo.

Nỗ lực được ghi nhận, đánh giá cao

Trong hơn một năm qua, những kết quả của năm ASEAN 2020 được duy trì, những sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong năm làm Chủ tịch liên quan đến cộng đồng cũng như phòng, chống đại dịch Covid-19 tiếp tục được đẩy lên và triển khai. Có những sáng kiến đưa ra từ năm 2020 như Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, đánh giá triển khai Hiến chương, Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đều ghi nhận những tiến triển đáng chú ý.

Các nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá cao. (Ảnh: HNM)

Ngoài ra, một nội dung khác cũng được Việt Nam đưa vào trao đổi trong ASEAN là việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác Tiểu vùng vì Phát triển bền vững và Tăng trưởng bao trùm cuối tháng 11/2021, góp phần vào những nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, làm vững chắc hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper: "Vai trò dẫn dắt của Việt Nam là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một ASEAN có khả năng giải quyết những thách thức kinh tế và chính trị cấp bách nhất của Đông Nam Á. Thông qua hợp tác, 10 quốc gia thành viên của ASEAN có thể đảm bảo một tương lai an toàn, rộng mở, thịnh vượng và bền vững môi trường cho khu vực của mình".

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN tham gia hỗ trợ tìm giải pháp, kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hoà giải; nêu những sáng kiến và đóng góp vào việc hình thành Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar nhằm đưa tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Trong nhiều cuộc họp ở các cấp của ASEAN thời gian quan, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Chủ tịch Campuchia nhằm phát huy vai trò và khả năng hỗ trợ của ASEAN đối với Myanmar; đề nghị ASEAN xây dựng cách tiếp cận từng bước, khả thi nhằm đảm bảo quá trình thực hiện Đồng thuận 5 điểm tiến triển thực chất.

Về xung đột tại Ukraine, Việt Nam luôn đề nghị ASEAN cần duy trì quan điểm khách quan, cân bằng và sẵn sàng phát huy vai trò trung gian, hỗ trợ các bên liên quan tìm giải pháp khả thi, bền vững.

Đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam chia sẻ lập trường nguyên tắc chung của ASEAN, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương; đề nghị cần tiến hành các hoạt động ý nghĩa, thực chất để kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và 40 năm UNCLOS.

Việt Nam cũng phối hợp lập trường với các nước ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng khác đảm bảo giữ vững lập trường độc lập của ASEAN, phát huy vai trò và các quan điểm của ASEAN trước các xu thế mới trong khu vực.

Có thể khẳng định, các nỗ lực của Việt Nam vẫn được các nước thành viên trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN tôn trọng và đánh giá cao.

Trong một chia sẻ với báo chí tháng 5 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, Mỹ cam kết ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm và hiệu quả trong các vấn đề khu vực và vai trò của Việt Nam sẽ góp phần thiết yếu vào việc đạt được mục tiêu này.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: "Vai trò dẫn dắt của Việt Nam là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một ASEAN có khả năng giải quyết những thách thức kinh tế và chính trị cấp bách nhất của Đông Nam Á. Thông qua hợp tác, 10 quốc gia thành viên của ASEAN có thể đảm bảo một tương lai an toàn, rộng mở, thịnh vượng và bền vững môi trường cho khu vực của mình".

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga trong một hội thảo mới đây cũng cho rằng trong ASEAN, Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là quốc gia đi đầu, tích cực đóng góp có trách nhiệm cho sự phát triển của cả khối.