Xin Thứ trưởng cho biết một vài nét về Phong trào Không liên kết?
Phong trào Không liên kết (KLK) ra đời năm 1961 trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đối đầu giữa hai phe. Phong trào đã quy tụ các nước mới giành được độc lập – gọi chung là các nước thế giới thứ ba, với mục tiêu tạo một tập hợp lực lượng rộng rãi, chống lại sự can thiệp của các nước đế quốc, cùng nhau gìn giữ hoà bình, độc lập, cùng tồn tại và phát triển, thể hiện rõ tính chất tiến bộ của mình.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. |
Phong trào hoạt động dựa trên 10 nguyên tắc được Hội nghị Á-Phi Bandung năm 1955 thông qua, trong đó có tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.
Qua 55 năm phát triển, từ 25 nước thành viên ban đầu, Phong trào đã trưởng thành với 120 nước thành viên, đa số là các nước đang phát triển đến từ châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên của LHQ và 55% dân số thế giới. Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của KLK từ năm 1976 và từ đó đến nay đã tham gia các hoạt động của Phong trào một cách tích cực.
Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá về Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 Phong trào Không liên kết vừa qua?
Hội nghị Cấp cao lần này được tổ chức tại Venezuela, với sự tham gia của 104 trên 120 nước thành viên, trong đó có 22 Nguyên thủ và Thủ tướng, 11 Phó Tổng thống và Phó Thủ tướng.
Với chủ đề “Hoà bình, Chủ quyền và Đoàn kết vì Phát triển”, các nước đều tập trung khẳng định lại các giá trị cơ bản và mục tiêu chung của Phong trào từ khi thành lập, coi đó là cơ sở để cả Phong trào củng cố đoàn kết, tăng cường phối hợp hành động nhằm ứng phó với các thách thức hiện nay như chiến tranh, xung đột, can thiệp, lật đổ, bảo vệ chủ quyền, chống khủng bố, thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu…
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 Phong trào Không liên kết. |
Hội nghị đã thông qua Văn kiện cuối cùng, khẳng định quyết tâm bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Phong trào, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc và các hệ thống quản trị toàn cầu theo hướng dân chủ và công bằng hơn, yêu cầu các nước phát triển trợ giúp các nước đang phát triển thông qua bảo đảm ODA, dành các ưu đãi và tạo môi trường công bằng, bình đẳng để phát triển.
Các nước ASEAN đã tham gia và có tiếng nói tích cực tại Hội nghị trên các vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Phong trào hiện nay, nhất là sự cần thiết phải củng cố đoàn kết của Phong trào. Sự đoàn kết của ASEAN thể hiện rất rõ qua việc đề cập vấn đề Biển Đông tại Hội nghị, kêu gọi thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ DOC, sớm hoàn tất COC. Đây cũng là những vấn đề mang tính nguyên tắc, phù hợp với các nguyên tắc Bandung và lập trường chung xuyên suốt của Phong trào.
Xin Thứ trưởng cho biết về đóng góp của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao lần này?
Việt Nam nằm trong nhóm 33 nước có cấp tham gia cao nhất. Điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Phong trào, sẵn sàng đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị, đồng thời là biểu hiện sự ủng hộ, tình đoàn kết với nước Chủ nhà Venezuela và các nước bạn bè truyền thống của Việt Nam ở Mỹ La-tinh nói chung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ khai mạc. |
Đoàn Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, cụ thể tại Hội nghị cấp cao, cũng như cuộc họp cấp Bộ trưởng và quan chức cao cấp (SOM) trước đó. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, được nước Chủ nhà và các nước thành viên hoan nghênh và đánh giá cao. Đóng góp của Đoàn Việt Nam thể hiện trên 3 khía cạnh.
Một là, Việt Nam đã góp tiếng nói tích cực với mục đích giữ vững định hướng của Phong trào trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, nhất là việc các nước bên ngoài tìm cách can thiệp, phân hoá Phong trào và một số biểu hiện xa rời các nguyên tắc cơ bản trong nội bộ phong trào. Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thúc đẩy đoàn kết, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Phong trào, nhất là không can thiệp công việc nội bộ, không gây sức ép, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng và đáp ứng lẫn nhau giữa các nước thành viên, và các nước bên ngoài cần tôn trọng ý kiến của các nước trong khu vực về các vấn đề của khu vực đó. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Phong trào giữ được bản sắc của mình và tiếp tục phát triển.
Hai là, cùng với nhiều nước, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải dành ưu tiên cho việc xử lý những vấn đề lớn, cấp bách của cả Phòng trào và của nhân loại, như bảo vệ chủ quyền, độc lập, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu… đáp ứng được lợi ích chung của các nước thành viên KLK.
Ba là, Đoàn Việt Nam đã tích cực ủng hộ, trao đổi với nước Chủ tịch trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn để tháo gỡ những vấn đề, khác biệt nảy sinh trong quá trình Hội nghị, trên cơ sở các nguyên tắc của Phong trào, góp phần vào thành công của Hội nghị.
Tổng thống nước chủ nhà Venezuela Nicolas Maduro (phải) trong lễ đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết. |
Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có một loạt cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Venezuela, Chủ tịch Cuba, Tổng thống El Salvador, Thủ tướng Haiti, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, Iraq và Burundi để tăng cường quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư về dầu khí và viễn thông của Việt Nam ở một số nước, triển khai các cơ chế hợp tác… Lãnh đạo các nước bạn bày tỏ khâm phục truyền thống lịch sử và thành tựu 30 năm đổi mới của ta, cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp của ta đầu tư, hợp tác.
Tựu trung lại, Việt Nam đã thể hiện vai trò xây dựng, chủ động, tích cực, được nước Chủ nhà, các nước thành viên đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam đối với Phong trào và bạn bè quốc tế.