Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Ngày 7/7, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã diễn ra cuộc họp giữa Phó Tổng thư ký LHQ, Giám đốc điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên ASEAN tại LHQ để trao đổi về việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), và tăng cường quan hệ hợp tác giữa ESCAP và ASEAN.
Phó Tổng thư ký LHQ Armida Alisjahbana nhấn mạnh việc thông qua Tuyên bố Bangkok tại Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP vừa qua là nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực, đẩy mạnh kết nối thương mại, tăng cường tài chính cho thực hiện SDG.
Về các ưu tiên trong thời gian tới, Phó Tổng thư ký LHQ mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức khu vực, trong đó có quan hệ hợp tác với Ban thư ký ASEAN.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ đánh giá của ESCAP và cá nhân Phó Tổng thư ký về các khó khăn trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, nhất là khi tiến độ thực hiện một số SDG đã bị đẩy lùi hoặc đảo ngược.
Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, để từ đó đề xuất giải pháp đưa việc thực hiện SDG trở lại đúng quỹ đạo và đạt mục tiêu vào năm 2030 ở cấp toàn cầu và khu vực. Đại sứ đề nghị Ban thư ký ESCAP tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật với Ban thư ký ASEAN trong việc thúc đẩy thực hiện SDG ở khu vực.
Về phần mình, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn đặt con người làm trung tâm và động lực của phát triển và trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên ASEAN cảm ơn sự hỗ trợ và đề cao vai trò của ESCAP trong việc thúc đẩy thực hiện SDG tại khu vực và thảo luận về các vấn đề toàn cầu đang nổi lên hiện nay như biến đổi khí hậu, xung đột, môi trường, an ninh lương thực, chuyển đổi số…
Các Đại sứ nhất trí cần tăng cường hợp tác giữa ESCAP với ASEAN trong thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay.
Thành lập từ năm 1947, ESCAP là một trong 5 Ủy ban khu vực trực thuộc Hội đồng Kinh tế và xã hội của LHQ (ECOSOC), và được LHQ trao trọng trách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ESCAP có 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết. |