📞

Việt Nam – Thụy Sỹ: Hành trang quý cho phát triển

22:12 | 12/10/2016
Đúng 45 năm trước đây, ngày 11/10/1971, Việt Nam và Thụy Sỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc.

Trải qua 45 năm, với sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, Việt Nam và Thụy Sỹ đã xây dựng được một khuôn khổ đối tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư đến giáo dục - đào tạo, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Hợp tác sâu rộng, đa phương diện

Về chính trị ngoại giao, các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo chính phủ hai nước đã góp phần tạo sự tin cậy và khuôn khổ thuận lợi thúc đẩy hợp tác song phương. Tổng thống Arnold Koller, Tổng thống Pascal Couchepin, Chủ tịch Thượng viện René Rhinow, và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Thụy Sỹ đã sang thăm và ủng hộ tích cực công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong hơn 10 nãm qua, nhiều vị lãnh đạo nước ta như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng … đã thực hiện các chuyến công du tới Thụy Sỹ và đón nhận tình cảm mến khách của nhân dân Thụy Sỹ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Didier Burkhalter trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (2015). (Ảnh: Quang Hòa)

Các cơ chế Tham vấn chính trị và Đối thoại nhân quyền giữa Bộ Ngoại giao hai nước được triển khai hiệu quả giúp trao đổi thông tin và đề ra các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương. Việt Nam và Thụy Sỹ cũng tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm trên các diễn đàn quốc tế để cùng nhau đóng góp vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, phát triển bền vững…

Hợp tác kinh tế luôn là một trụ cột trong quan hệ hai nước và đã đạt nhiều chuyển biến lớn trong 5 năm trở lại đây. Từ nhiều năm nay, Thụy Sỹ luôn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 700 triệu USD/năm và đang trên đà tăng trưởng mạnh (7 tháng đầu năm 2016 đã đạt trên 700 triệu USD).

Hơn 90 tập đoàn, công ty của Thụy Sỹ đã có mặt, kinh doanh thành công tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến những tên tuổi lớn như Nestle, Novatis, Roche, Holcim…, đưa Thụy Sỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 4 trong các nước châu Âu tại Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư của Thụy Sỹ tại Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, qua đó cho thấy sự quan tâm  ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sỹ với thị trường Việt Nam đầy triển vọng.

Hiện nay, Việt Nam và Thụy Sỹ đang cùng các nước trong khu vực Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) triển khai đàm phán ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA để tạo ra các cơ hội hợp tác kinh tế cùng có lợi trong tương lai.

Việt Nam là đối tác được hưởng nhiều lợi ích của chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ, với tổng viện trợ trên 360 triệu USD kể từ năm 1992 đến nay. Sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả của Thụy Sỹ cho các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực tăng cường năng lực thể chế, cải cách hành chính, nông nghiệp và an ninh lương thực, môi trường, ngân hàng, y tế, giảm nghèo, đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn được coi trọng thúc đẩy với nhiều dự án hợp tác hiệu quả giữa các trường Đại học và cơ sở giáo dục hai nước và ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sỹ, nơi có nền giáo dục tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, du lịch, công nghệ cao.

Hiểu biết và gắn kết

Mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Thụy Sỹ còn được hình thành bởi tình đoàn kết, hữu nghị và sự giao lưu văn hóa thường xuyên giữa nhân dân hai nước.

Lịch sử đã đem đến cho hai nước một tên tuổi lớn, bác sỹ Alexandre Yersin, một người Thụy Sỹ đã gắn bó, cống hiến cả cuộc đời mình cho Việt Nam và sự phát triển của ngành y học Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter. (Ảnh: Quang Hòa)

Ngay từ những năm 1960 đã có nhiều người bạn Thụy Sỹ xuống đường ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam. Qua các dự án hợp tác phát triển, nhiều chuyên gia Thụy Sỹ đã đến thăm, làm việc, tận mắt chứng kiến sự phát triển của Việt Nam, hiểu biết và yêu quý văn hóa Việt Nam.

Hội Thụy Sỹ - Việt Nam - tổ chức lớn mạnh từ phong trào đoàn kết với Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, và nhiều Hội đoàn, tổ chức bạn bè khác đã thực hiện rất nhiều những hoạt động thiết thực nhằm gắn kết quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Ngày nay, quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc hơn thông qua  sự  phát triển của cộng đồng hơn 8.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Thụy Sỹ và số lượng du khách thăm viếng lẫn nhau ngày càng tăng.

Sự hiểu biết lẫn nhau và những mối quan hệ đối tác bền chặt được thiết lập giữa các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục phát huy và tăng cường hợp tác trong tương lai.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Thụy Sỹ ưu tiên phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Chính phủ, các Bộ ngành và các tổ chức, đối tác công tư giữa hai nước đang sẵn sàng cho những hợp tác mới nhằm khai thác thế mạnh hàng đầu thế giới về quản lý, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực của Thụy Sỹ cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam.

Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sỹ là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng được hợp tác với nhiều thành tựu tốt đẹp và định hình quan hệ trong tương lai. Với hành trang quý giá đó, quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Vụ trưởng Vụ châu Âu - Bộ Ngoại giao