📞

Việt Nam tích cực cùng ASEAN đẩy lùi tội phạm xuyên quốc gia

Thu Trang 15:33 | 12/08/2022
Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, mặc dù bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nhưng Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi các loại hình tội phạm này trong khu vực.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. (Nguồn: vnexpress)

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2022), Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã chia sẻ với báo chí về sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Việt Nam và các nước ASEAN đối với công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực.

Thưa Thứ trưởng, tội phạm xuyên quốc gia là một trong những mối đe dọa đối với an ninh khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Các loại tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay có thế kể đến như khủng bố, buôn bán người, buôn bán trái phép vũ khí, các tội phạm về ma túy, cướp biển... Những loại tội phạm này đặt ra thách thức ra sao đối với vấn đề xây dựng, hoàn thiện pháp luật, sự phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề bảo vệ quyền con người tại mỗi quốc gia ASEAN?

Thời gian qua, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn cầu và tình hình chính trị, an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đã tạo cơ hội cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia diễn biến ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm.

Các loại tội phạm này không chỉ gây tác hại nghiêm trọng tới cuộc sống bình thường của rất nhiều nạn nhân trên phạm vi lớn, không phân biệt quốc tịch, khu vực và quốc gia cư trú mà còn gây hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các bình diện pháp lý, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và cả Cộng đồng ASEAN.

Tình hình đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và các nước ASEAN trong vấn đề xây dựng, hoàn thiện pháp luật, sự phát triển kinh tế-xã hội và vấn đề bảo vệ quyền con người, cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực ASEAN đang thiếu hành lang pháp lý trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và chưa bắt kịp sự biến đổi nhanh chóng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp của tội phạm xuyên quốc gia.

Thứ hai, một số quy định của Việt Nam chưa tương thích với pháp luật quốc tế và khu vực về phòng, chống tội phạm quốc gia và quyền con người.

Thứ ba, vấn đề quản lý, nâng cao năng lực của cơ quan chức năng trong phòng ngừa, ứng phó, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn của các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia để từ đó xây dựng biện pháp xử lý phù hợp.

Thứ tư, việc ứng phó các vấn đề về hiệu lực pháp luật, thẩm quyền xét xử và khả năng xử lý, giải quyết, phối hợp giữa các quốc gia khi có tội phạm xảy ra gặp nhiều khó khăn.

Thứ năm, nhận thức của người dân về nguy cơ và mối de dọa từ tội phạm xuyên quốc gia còn tương đối hạn chế.

Những thách thức trên đòi hỏi phải đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong công tác đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực ASEAN ra sao?

Trong ASEAN, Việt Nam tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin cấp cao với cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC); Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD)...; không để các đối tượng xấu lợi dụng lãnh thổ, sự khác biệt trong hệ thống pháp luật, cũng như cơ quan tư pháp giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ để phạm tội.

Tại các hội nghị này, Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng các sáng kiến, triển khai thực hiện các văn kiện hợp tác chung nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong khu vực.

Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN; đẩy mạnh trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng và tăng cường mở các chiến dịch điều tra chung, triệt phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực.

Đối tượng và tang vật bị thu giữ trong đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hồ Chí Minh, triệt phá vào tháng 9/2021. (Nguồn: Công an)

Ví dụ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đến nay, giữa UBND các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc đã hình thành cơ chế tổ chức giao ban định kỳ; đặc biệt đã thành lập được 21 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) để trao đổi thông tin về tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm ma túy; tiến hành các hoạt động điều tra, ngăn chặn tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy.

Từ năm 2019-2021, với sự giúp đỡ của lực lượng chức năng các nước, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện trên 70.000 vụ, bắt giữ gần 109.000 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 2,1 tấn heroin, gần 12 tấn và khoảng 5 triệu viên ma túy tổng hợp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tham gia thúc đẩy xây dụng và hoàn thiện cơ sơ pháp lý tạo khuôn khố cho hợp tác phòng, chống tội phạm, như Công ước ASEAN về chống khủng bố (năm 2011), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (năm 2015); Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp về hình sự; Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ...

Vậy chúng ta cần những giải pháp như thế nào để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian tới?

Thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết với các các nước...; chủ động thúc đẩy công tác đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác song phương về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện và đầy đủ hơn cho hoạt động hợp tác phòng, chống tội phạm giữa hai bên.

Hai là, tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực, đặc biệt là các loại tội phạm luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng như tội phạm về ma túy, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ba là, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp và quy trình công tác có liên quan đến việc vận dụng, áp dụng pháp luật quốc tế trong phòng, chống tội phạm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ chuyên trách; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) lần thứ 14 do Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến năm 2020. (Nguồn: ASEAN)

(thực hiện)