PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề "Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á" ngày 29/6 tại Hà Nội. (Nguồn: Viện Biển Đông) |
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á”, PGS, TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, đã nêu bật giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời chỉ ra những nỗ lực của Việt Nam nhằm thực thi nghiêm chỉnh tất cả quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển.
Đã qua 40 năm kể từ khi Công ước Luật Biển ra đời. Trong 40 năm qua, UNCLOS đã khẳng định vai trò nền tảng trong sự phát triển luật biển quốc tế như thế nào?
Trong không khí của Đối thoại Biển lần thứ 8, chúng ta thấy nhiều đại biểu đã đề cao tinh thần, giá trị phổ quát của UNCLOS. Như Đại sứ Tommy Koh, trưởng đoàn đàm phán của Singapore, đã khẳng định UNCLOS là hiến pháp của đại dương.
Với giá trị là một bản hiến pháp, UNCLOS đã định ra một trật tự pháp lý, định ra quyền và nghĩa vụ không chỉ của các quốc gia ven biển, mà cả các quốc gia không có biển và các quốc gia có hoàn cảnh địa lý đặc biệt khác.
Dựa trên cơ sở khuôn khổ pháp lý của UNCLOS, các quốc gia đã có được một cơ sở toàn diện để quản lý sử dụng biển một cách bền vững, cũng như có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp theo hướng hòa bình, ổn định và mang lại thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia.
"Cần áp dụng các giá trị phổ quát UNCLOS để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia không có biển, giữa các quốc gia là thành viên cũng như chưa phải là thành viên của UNCLOS nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy quản lý bền vững Biển Đông". (Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu) |
Liệu UNCLOS có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trên biển trong thời gian gần đây?
Trải qua rất nhiều năm nhưng hiểu biết về đại dương có lẽ vẫn còn nhiều bí ẩn. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nhiều lợi ích, đại dương cũng mang đến những thách thức mới cho quá trình phát triển bền vững, ví dụ như tình trạng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thậm chí là có những vấn đề về môi trường biển như rác thải biển, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là rác thải nhựa.
Trước những thách thức mới này, UNCLOS vẫn không bị lạc hậu, thậm chí vẫn được khẳng định là một khuôn khổ pháp lý cung cấp những khung pháp lý nền tảng, giúp các quốc gia có thể hợp tác và giải quyết các thách thức mới để tiếp tục quản lý biển và đại dương một cách bền vững.
Trong Đối thoại biển lần này, chúng tôi cũng dành một phiên thảo luận về nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven biển nửa kín, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, để phân tích các quy định của UNCLOS cũng như rút ra những bài học thực tiễn nhằm thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông.
UNCLOS, cụ thể là quy định tại Điều 122 và Điều 123 sẽ giúp các quốc gia ven biển nửa kín như Việt Nam cùng các quốc gia ở Đông Nam Á có cơ sở pháp lý để tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác, phát huy những thực tiễn tốt trong quá khứ để hướng tới việc giải quyết bền vững những thách thức trong tương lai về nước biển dâng và ô nhiễm môi trường biển.
Đối thoại Biển năm đặc biệt tái khẳng định giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) sau 40 năm, cũng như thảo luận những khía cạnh hợp tác tiềm năng đối với khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Viện Biển Đông) |
Các quốc gia có trách nhiệm như thế nào trong việc thực thi UNCLOS để giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định trên các vùng biển?
Đối thoại Biển năm nay cũng đề cập một chủ đề, đó là UNCLOS sẽ được thực thi như thế nào với những quốc gia ven biển, quốc gia không có biển, và cả những quốc gia không là thành viên của Công ước.
"Công ước Luật Biển cần được áp dụng một cách toàn diện, không nên tách rời mà cần gắn liền giữa cơ chế giải quyết tranh chấp với tất cả các quy định pháp lý của UNCLOS và luật pháp quốc tế. Phán quyết của các tòa án quốc tế không thuần tuý ràng buộc với các bên tham gia tranh chấp mà còn là cơ sở cho hợp tác chung, có tác động tới khu vực và cộng đồng quốc tế". (Cựu Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum) |
Một điểm đặc biệt thú vị là trong các quốc gia Đông Nam Á, có sự hiện diện của cả quốc gia là thành viên và không phải là thành viên; những quốc gia ven biển và quốc gia không có biển (Lào); những quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo; quốc gia đang phát triển và quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ phát triển mạnh.
Với những nội dung, chủ đề đối thoại, thảo luận hôm nay, chúng tôi hướng đến mục tiêu đó là tái khẳng định vai trò của UNCLOS. Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, UNCLOS đã tạo ra những giá trị phổ quát. Có rất nhiều quy định của UNCLOS đã đi vào thực tế, được áp dụng như là tập quán quốc tế và ràng buộc chung về giá trị pháp lý với tất cả các quốc gia.
Các quốc gia dù là thành viên hay không phải là thành viên, các quốc gia dù lớn hay bé, dù phát triển, đang phát triển hay kém phát triển, đều có chung một nghĩa vụ như nhau, phải thực thi giá trị phổ quát của UNCLOS để đóng góp vào hòa bình, ổn định chung của môi trường biển tại Biển Đông và toàn thế giới.
Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của một quốc gia ven biển như thế nào trong việc thực thi UNCLOS?
Mặc dù Việt Nam không có điều kiện may mắn như các quốc gia khác tham gia vào những giai đoạn đầu của Hội nghị Luật Biển lần 1, lần 2. Tuy nhiên, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, ngay từ năm 1977, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Hội nghị Luật Biển lần 3.
Trong quá trình tham gia Hội nghị Luật Biển, Việt Nam đã tích cực bày tỏ quan điểm của một quốc gia đang phát triển, một quốc gia ven biển, để đóng góp vào việc hình thành nên các quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển trong trật tự pháp lý về biển hiện nay.
Cụ thể, vào năm 1977, Việt Nam đã ra Tuyên bố về các vùng biển của Việt Nam, từ nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sau này, khi UNCLOS được ký kết, tuyên bố của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS. Năm 1982, chúng ta đã ra Tuyên bố về đường cơ sở thẳng. Năm 1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn để Việt Nam trở thành một trong những thành viên của UNCLOS năm 1982. Đến năm 2012, Việt Nam đã chính thức ban hành Luật Biển Việt Nam.
Trải qua những mốc thời gian như vậy, Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm thực thi nghiêm chỉnh tất cả những quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển, phù hợp với quy định của UNCLOS, cũng như quy định của pháp luật quốc tế.
Tại Đối thoại Biển lần thứ 8, tất cả các chuyên gia đều khẳng định và tin tưởng mạnh mẽ rằng UNCLOS vẫn còn đầy đủ giá trị và có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trên biển. (Ảnh: Quang Hòa) |
Trong bối cảnh địa chính trị xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn, giải pháp nào cần được các bên tính tới để ngăn chặn những tranh chấp, đụng độ và xung đột trên biển?
Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến mới phức tạp, điều quan trọng nhất mà các bên cần hướng tới để giải quyết các khác biệt, tranh chấp chính là tuân thủ nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp.
Như cựu Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum đề cập trong bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Biển năm nay, UNCLOS đã có cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, giúp các bên có thể giải quyết những bất đồng trong việc thực thi và giải thích luật biển. Đó chính là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để giúp các bên tiếp tục hóa giải những bất đồng.
Cơ sở thứ hai là thúc đẩy hợp tác. Chỉ có thông qua hợp tác, xây dựng lòng tin, mới giải tỏa được những thách thức ở hiện tại cũng như trong tương lai, mới tạo ra được một môi trường hòa bình, ổn định để giúp các bên khắc phục những bất đồng.
Xin cảm ơn bà!
Đối thoại Biển lần thứ 8 diễn ra vào ngày 29/6 tập trung vào Công ước Luật Biển và các khía cạnh và khả năng hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm 4 phiên với các chủ đề: UNCLOS và khu vực Đông Nam Á: Các chủ đề chưa được nghiên cứu đầy đủ; Giảm thiểu khí thải từ các hoạt động vận tải; Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ở các vùng biển nửa kín: Khía cạnh pháp lý, thực tiễn quốc gia, và tương lai phía trước; Bảo tồn và sử dụng bền vững các khu vực đa dạng sinh học ngoài quyền tài phán quốc gia. |
| Bế mạc Đối thoại Biển lần thứ 8: UNCLOS vẫn vẹn nguyên giá trị để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trên biển Chiều 29/6, Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á” ... |
| Việt Nam đề cao nguyên tắc tôn trọng, đối thoại, hợp tác và bao trùm trong các vấn đề quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền Ngày 28/6, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, Việt Nam đã có nhiều hoạt động giới thiệu kinh nghiệm, nỗ lực, ... |