📞

Việt Nam triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc

Thế Phú 20:34 | 27/03/2020
TGVN. Ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 402/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM).
Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2019.

Theo đó, để triển khai Thỏa thuận GCM, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: tuyên truyền, phổ biến thông tin về Thỏa thuận GCM, các vấn đề di cư quốc tế thuộc phạm vi trong và ngoài nước, tăng cường năng lực trong triển khai Thỏa thuận GCM; thu thập thông tin, dữ liệu về di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện; nghiên cứu, dự báo về tình hình, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan đến các vấn đề di cư; và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai 60 nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế, trong đó đáng chú ý là các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao các thông tin rõ ràng, minh bạch về di cư (hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo, cảnh báo liên quan đến di cư quốc tế; thị trường lao động nước ngoài; chính sách cấp thị thực; quyền của người di cư…).

Thứ hai, nghiên cứu lồng ghép các nội dung liên quan đến di cư trong các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở để bổ sung điều tra về tình trạng di cư.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký và hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài bao gồm các thông tin cơ bản về công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài với các mục đích khác nhau.

Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư dựa trên việc kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ công tác hoạch định chính sách, pháp luật về di cư.

Thứ năm, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di cư quốc tế để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Thỏa thuận GCM.

Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu của các Bộ, ban, ngành liên quan.

Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM đã đề cập bao trùm và toàn diện các giải pháp đối với vấn đề di cư quốc tế hiện nay của Việt Nam, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bản Kế hoạch chi tiết đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em. Đây cũng chính là bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về di cư nhằm góp phần thúc đẩy xu thế di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững, theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM được thực hiện trong 10 năm từ 2020 đến năm 2030 và sẽ có rà soát, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì hướng dẫn, giám sát, đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và sẽ thành lập Nhóm Công tác liên ngành về triển khai Thỏa thuận GCM theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch.

Để biết thêm thông tin về Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai Thoả thuận toàn cầu Di cư hợp pháp của Liên hợp quốc, xin mời truy cập shorturl.at/gKRU0.

Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và được chính thức thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018. Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường hợp tác quản trị di cư toàn cầu, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam là một trong số 152 quốc gia trên thế giới đã thông qua Thỏa thuận GCM. Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao, với tư cách cơ quan chủ trì đã phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM, tổ chức các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM tại Hà Nội (ngày 20/8/2019), Đà Lạt (27/9/2019) và TP. Hồ Chí Minh (11/10/2019) để lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)