📞

Việt Nam trở thành Trung tâm khu vực trong cảnh báo lũ quét

Chu An 16:51 | 15/08/2022
Ngày 8/8, tại trụ sở Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tại Geneva, Thụy Sỹ đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa WMO và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (VNMHA), Bộ Tài nguyên và Môi trường về Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS) tại Việt Nam.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chứng kiến lễ ký kết MOU giữa Trợ lý Tổng thư ký WMO và Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam, có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva; Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam Trần Hồng Thái, Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO và Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á-Thái Bình Dương (RAII) thuộc WMO.

Về phía WMO, có TS. Wenjian Zhang, Trợ lý Tổng thư ký WMO và đại diện lãnh đạo các cơ quan của WMO đã tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Thay mặt Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, Trợ lý Tổng thư ký WMO Wenjian Zhang bày tỏ vinh dự được đón Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và đoàn công tác Việt Nam tới trụ sở WMO tham dự sự kiện.

Trợ lý Tổng thư ký đánh giá cao hợp tác giữa WMO và Việt Nam cũng như vai trò, đóng góp của Việt Nam và ông Trần Hồng Thái trên cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu ÁThái Bình Dương (RAII) của WMO trong các hoạt động và dự án của tổ chức này thời gian qua.

Ông Wenjian Zhang tin tưởng Việt Nam cũng như SeAFFGS sẽ đóng vai trò trung tâm của khu vực trong việc cung cấp cảnh báo chính xác, kịp thời về lũ quét cũng như các sản phẩm, dữ liệu và chương trình đào tạo quan trọng liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai gửi lời cảm ơn tới WMO và các đối tác đã dành nhiều hỗ trợ cho Việt Nam về khí tượng thủy văn và môi trường trong thời gian qua; đồng thời đánh giá cao ý nghĩa của việc ký kết và triển khai MOU, đưa Trung tâm SeAFFGS sớm đi vào hoạt động hiệu quả, giúp có hành động sớm ứng phó lũ quét, vì lợi ích thiết thực của người dân Việt Nam và các nước trong khu vực.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu rõ, là một trong những nước ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, Việt Nam chú trọng các biện pháp trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức chung này; mong WMO và các đối tác quốc tế khác tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự lễ ký kết.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam Trần Hồng Thái nhấn mạnh đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc rất quan trọng đối với cộng đồng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai; đặc biệt là nâng cao khả năng phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.

Với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, ông Trần Hồng Thái cho biết Việt Nam sẽ vận hành và duy trì Hệ thống SeAFFGS một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Trần Hồng Thái cũng hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên khác để cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đóng góp vào phát triển bền vững của khu vực.

Trung tâm SeAFFGS được phát triển trong khuôn khổ dự án “Xây dựng khả năng ứng phó với các sự kiện khí tượng thủy văn có tác động lớn thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa (MHEWS) ở các quốc đảo đang phát triển (SIDS) và khu vực Đông Nam Á (SEA)”, do Chính phủ Canada tài trợ và WMO chủ trì triển khai.

Ngày 28/6/2022 tại Hà Nội, WMO và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã chính thức ra mắt Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á, do WMO hỗ trợ xây dựng. Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam sẽ là Trung tâm Khu vực SeAFFGS.

Nội dung chính của Biên bản ghi nhớ hợp tác là xây dựng các điều khoản; giao Trung tâm khu vực của SeAFFGS có trách nhiệm hỗ trợ các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển và triển khai dự án như: Hỗ trợ thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn lịch sử và dữ liệu không gian cần thiết cho việc phát triển hệ thống cho các quốc gia thành viên; hỗ trợ điều phối các đánh giá theo quốc gia cụ thể về các loại sản phẩm phẩm và dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống...

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)