Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chủ trì Tọa đàm Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC, ngày 16/12/2015. |
Hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc là xu thế chủ đạo trong thế kỷ XXI và được định hình rõ nét trong quan hệ giữa các quốc gia ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Xu thế này tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với nội hàm liên kết và mức độ cam kết sâu rộng, nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến “một vành đai, một con đường”…
Với Việt Nam, công tác hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng thúc đẩy từ năm 1986 khi đất nước tiến hành Đổi mới với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Đứng trước xu thế hội nhập, liên kết của thế kỷ XXI, chúng ta tiếp tục khẳng định quyết tâm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là việc đăng cai thành công Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 5 năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 năm 2006, gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007.
Tính đến tháng 10/2015 ta đã hoàn tất 12 cuộc đàm phán FTA đa phương và song phương, đặc biệt là Hiệp định TPP và FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ là 41 tỷ USD, thì đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,4 tỷ USD. Đến hết tháng 12/2015, ta đã thu hút được hơn 19.900 dự án FDI với tổng số vốn cam kết khoảng 279 tỷ USD, đã thực hiện hơn 130 tỷ USD. Riêng năm 2015, đã cấp phép cho hơn 2.000 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 23 tỷ USD, tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.
Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của chúng ta trong việc tận dụng hiệu quả những cơ hội mà tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, qua đó, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của đất nước, mà còn tranh thủ hợp tác, tạo đan xen về lợi ích với các đối tác chủ chốt để cùng thiết lập một môi trường khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Trong thời gian tới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra hết sức sôi động với phạm vi ngày càng rộng mở, đặc biệt khi chúng ta vừa chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, tích cực chuẩn bị là thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC trong năm 2017, đi vào triển khai thực thi các cam kết trong WTO và các FTA, nhất là Hiệp định TPP và EVFTA, nỗ lực kết thúc ba đàm phán Hiệp định RCEP, FTA với Khối thương mại tự do Bắc Âu (EFTA), FTA ASEAN – Hongkong, khởi động đàm phán FTA với Israel…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng sẽ tiếp tục đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức liên quan đến chủ quyền kinh tế, các giá trị truyền thống của dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội… Do vậy, việc bám sát và thực hiện nghiêm túc các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phương hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam như Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020… cũng như tăng cường sự chuẩn bị trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành… sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc tạo tiền đề, củng cố vị thế vững chắc của đất nước khi chúng ta tham gia sâu, rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.