Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu khai mạc Hội thảo. (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Trong thời gian gần đây, quan hệ hợp tác giữa Nga và ASEAN phát triển năng động, trong đó sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng là hai bên quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2018. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mới đạt được trong quan hệ hợp tác Nga và ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng. ASEAN và Nga cùng nhau chia sẻ những lợi ích nền tảng và đồng thời đang đối mặt với nhiều thách thức toàn diện mới.
Trở thành đối tác của ASEAN vào năm 1996, trong 20 năm qua, nước Nga đã làm được nhiều việc: Đối thoại chính trị được thúc đẩy; Từ năm 2017, Văn phòng đại diện thường trực của Nga tại Jakarta đã chính thức đi vào hoạt động. Nga cũng tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác với vai trò trung tâm của ASEAN như quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Hàng năm tiến hành các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao. Các nghị sỹ Nga cũng luôn duy trì các cuộc tiếp xúc với Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN.
Phương hướng hợp tác chủ đạo trong quan hệ Nga - ASEAN là phát triển hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế đa phương với vai trò chủ đạo của ASEAN dựa trên nền tảng có chung quan điểm và phối hợp giải quyết các thách thức truyền thống và các thách thức mới trong lĩnh vực an ninh, như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, các mối đe dọa trong lĩnh vực sử dụng công nghệ thông tin, buôn bán ma túy, cũng như giải quyết các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Theo phương hướng đó, Nga ủng hộ thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự ở mức cao với Việt Nam, Indonesia và Malaysia, Lào và dần trở thành một đối tác tin cậy đối với các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines hay Myanmar. Nhìn chung, có thể nói rằng, nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Nga trong lĩnh vực này là những cuộc tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao; tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chí của luật pháp quốc tế; không theo đuổi chính sách bảo hộ và hành động đơn phương; cùng hướng tới một trật tự đa trung tâm ở khu vực dựa trên các luật chơi được các bên chấp nhận.
Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergay Lavrov rằng “triết lý về chính sách đối ngoại của các nước chúng ta trên thực tế là giống nhau và các cách thức giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay bằng con đường đối thoại là trùng hợp”.
Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác giữa Nga và ASEAN đang được thúc đẩy thông qua việc thực hiện “lộ trình” hợp tác về thương mại và đầu tư Nga - ASEAN, việc tăng cường gắn kết với nhau về thể chế để đưa thị trường của các nước gần nhau hơn, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, khai thác khoáng sản…
Lộ trình hợp tác chung giữa Nga và ASEAN được thể hiện trong 60 dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao. Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp đã được thông qua và đang triển khai. Hội đồng kinh doanh Nga - ASEAN được thành lập và đang hoạt động. Năm 2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN, đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), theo đó, sẽ thành lập khu vực thương mại tự do trong khuôn khổ EAEU không chỉ với Việt Nam, mà còn các nước khác trong ASEAN. Mới đây, vào đầu tháng 10 tại Erevan đã ký Thỏa thuận về khu vực thương mại tự do giữa EAEU và Singapore, cũng như ký Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa EAEU với Singapore.
Quan hệ thương mại Nga - ASEAN đang có xu hướng phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai bên năm 2017 tăng 35%, còn năm 2018 tăng 7%. Khối lượng đầu tư của hai bên vào thị trường của nhau vượt quá 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực nói trên còn tụt hậu so với mức độ hợp tác về chính trị và quân sự. Về khối lượng thương mại song phương, Nga thua kém tất cả các nước đối tác đối thoại khác của ASEAN. Theo số liệu năm 2018, Nga chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của các nước ASEAN và 49% hàng xuất khẩu của Nga vào ASEAN là khoáng sản. Trong khi đó, ASEAN chỉ chiếm 2,8% tổng kim ngạch thương mại của Nga.
Hợp tác giữa Nga và ASEAN trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã đạt những kết quả khả quan mới. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác liên chính phủ ký tháng 10/2010, các bên đã triển khai các sáng kiến chung như Quỹ tài chính của quan hệ đối tác đối thoại Nga - ASEAN dùng để hỗ trợ các quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, du lịch, phát triển nguồn lực; Thỏa thuận Nga - ASEAN về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; tiến hành các “Năm Chéo” văn hóa vào năm kỷ niệm quan hệ đối tác đối thoại. Từ tháng 4/2018, hệ thống các trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học hàng đầu của Nga và ASEAN đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Vào tháng 7/2009, đã thành lập Trung tâm ASEAN thuộc trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) với mục đích chính là mở rộng các quan hệ về giáo dục, nhân văn và thanh niên giữa hai bên. Với sự hoạt động tích cực của Trung tâm, 3 Diễn đàn thanh niên Nga -ASEAN đã được tổ chức, trong đó lần cuối cùng đã diễn ra tại Vladivostok vào tháng 10/2015.
Cần nhận thấy rằng việc gia tăng lượng khách du lịch song phương có thể làm được nhiều điều cho việc phát triển các mối quan hệ về nhân văn, cũng như khắc phục vấn đề thiếu hụt thông tin giữa các bên.
Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Là đối tác chiến lược toàn diện duy nhất của Nga ở Đông Nam Á, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Nga, Việt Nam có thể tiếp tục hỗ trợ việc củng cố mối quan hệ hợp tác Nga - ASEAN. Thực tế, chính những kết quả tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Nga là kinh nghiệm quý báu và là ví dụ điển hình để thu hút các nước thành viên ASEAN khác mở rộng quan hệ hợp tác với Nga.
Việt Nam và Nga luôn chú trọng đẩy mạnh quan hệ trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi; thiết lập và vận hành có hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Hơn nữa, cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước được hoàn thiện. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 90 thỏa thuận hợp tác trong tất cả các lĩnh vực đã được ký kết và đang triển khai có hiệu quả.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Nga ngày càng được củng cố thông qua việc trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao, cũng như thông qua các cơ chế tham vấn và đối thoại chiến lược các cấp; phát triển quan hệ trên tất cả các kênh và trong các lĩnh vực từ kênh Đảng, Quốc hội, nhà nước đến hợp tác địa phương và ngoại giao nhân dân.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện nay Việt Nam và Nga tiếp tục chia sẻ quan điểm về các vấn đề có lợi ích chung và tăng cường hợp tác quốc phòng trên cơ sở tin cậy và thực tế. Trong tương lại dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với Nga triển khai các cơ chế tham vấn và trao đổi trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Trong định hướng phát triển kinh tế, hai nước Việt Nam và Nga có nhiều điểm chung, trước hết, đó là phát triển công nghệ, tăng cường phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh thương mại tự do và đầu tư chất lượng cao. Trên cơ sở đó và tận dụng những lợi thế của mình, Việt Nam và Nga đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Hai bên hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng và thương mại. Các công ty của Nga và các xí nghiệp liên doanh Việt - Nga như Rosneft, Gazprom, Vietsovpetro, RusVietpetro, GazpromViet, VietGazprom… đang hoạt động có kết quả tốt trên lãnh thổ hai nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng hoạt động của các xí nghiệp liên doanh này trên thềm lục địa của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, cũng như đảm bảo sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký Thỏa thuận về khu vực tự do thương mại với EAEU năm 2015. Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga tăng nhanh: Năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 2-3 tỷ USD so với năm 2017. Đây là đóng góp tích cực, tạo xung lực cho hội nhập kinh tế và thương mại tự do, khi mỗi quốc gia thúc đẩy các lợi thế của mình và góp phần vào sự phồn vinh chung.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho rằng Nga và ASEAN cần phải nỗ lực hơn nữa để cùng mở rộng và phát triển thực chất lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại. (Nguồn: Investeast) |
Với vai trò của mình trong ASEAN, Việt Nam kêu gọi Nga củng cố và phát triển toàn diện quan hệ hợp tác với ASEAN.
Thứ nhất, Nga cần tiếp tục ủng hộ và tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác với vai trò trung tâm của ASEAN.
Thứ hai, với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề và loại bỏ các thách thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Nga tạo ra sự cân bằng và ngăn ngừa các cuộc xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Sự ủng hộ của Nga đối với việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nga cũng cần củng cố sự hợp tác trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, buôn lậu ma túy và tội phạm có tổ chức.
Trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, cần soạn thảo các biện pháp nhằm xích lại các nền kinh tế của ASEAN và EAEU. Theo hướng này, kinh nghiệm của Việt Nam, quốc gia đầu tiên ký Thỏa thuận về khu vực tự do thương mại với EAEU, sẽ góp phần thúc đẩy tối đa những lợi thế của mỗi nước và bổ sung hỗ trợ lẫn nhau.
Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực chung của các bên và hỗ trợ của Việt Nam, quan hệ giữa ASEAN và Nga sẽ đạt được nhiều kết quả thực tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của mỗi quốc gia, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục thực hiện vai trò “nước điều phối” quan hệ, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của mình là cùng với các nước ASEAN nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ nhiều mặt giữa ASEAN và Nga để sử dụng có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của hai bên.