Đại sứ Tôn Thị Ngọc Hương và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. (Nguồn: Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN) |
Những đóng góp nổi bật có thể kể đến của Việt Nam gồm 3 lần đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN (Uỷ ban Thường trực ASEAN giai đoạn 2000-2001), Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, năm 2001, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, chính thức khởi động triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Năm 2010, với mục tiêu đẩy mạnh hiện thực hoá Tầm nhìn của ASEAN thành hành động, nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam đã ghi dấu những quyết định quan trọng như thông qua Kế hoạch Tổng thể đầu tiên về Kết nối ASEAN (MPAC 2015); mở rộng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các Đối tác thông qua cơ chế ADMM+.
Năm 2020, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Việt Nam đã thúc đẩy Cộng đồng ASEAN gắn bó và ứng phó hữu hiệu, kịp thời trước các thách thức chưa từng có của Đại dịch Covid-19, giữ vững đoàn kết, duy trì đà liên kết của ASEAN, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân cũng như đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi.
Bên cạnh việc hoàn thành tích cực vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam còn tham gia đóng góp quan trọng vào các quyết sách nhằm định hướng phát triển của ASEAN như thúc đẩy hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội 1998, Tầm nhìn ASEAN 2020 (1997), Tuyên bố Hoà hợp ASEAN (2003) về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Hiến chương ASEAN (2007), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (2015), và trong giai đoạn hiện nay là xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2045.
Lễ thượng cờ ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao . (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, Việt Nam đã đảm trách vai trò điều phối viên, góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với nhiều Đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và chuẩn bị tiếp nhận điều phối 2 đối tác là New Zealand và Anh từ sau tháng 7/2024 trong nhiệm kỳ 3 năm.
Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia có tỷ lệ thực hiện các cam kết về liên kết kinh tế khu vực ASEAN, đồng thời, là nước tham gia khởi xướng ý tưởng hình thành Cộng đồng Văn hoá-xã hội ASEAN, dành quan tâm cao cho việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN hoà hợp, gắn bó, có bản sắc, lấy người dân làm trung tâm. Cam kết của Việt Nam đối với ASEAN là nhất quán, xuyên suốt.
Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN (26/4/2024), một sáng kiến của Việt Nam nhằm tạo ra khuôn khổ đối thoại mới về tương lai phát triển của ASEAN, có độ mở và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp người dân, bạn bè, đối tác của Asean, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định:
“Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh, kinh tế, quốc phòng, luôn nỗ lực hết mình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.”
Chủ trương này đã được thể hiện kiên định gần 30 năm qua và Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình vì mục tiêu này, đóng góp cho chặng đường phát triển mới của ASEAN.