TIN LIÊN QUAN | |
Đẩy mạnh hơn đà phát triển quan hệ đã có | |
Thay đổi chính quyền không ảnh hưởng quan hệ các nước với Việt Nam |
Sự chuyển giao quyền lãnh đạo sang Đảng Cộng hòa sau 8 năm dưới sự điều hành của Đảng Dân chủ, cùng với việc lần đầu tiên nước Mỹ có một Tổng thống xuất thân là doanh nhân, với tính cách vô cùng khó đoán, báo hiệu sẽ có những thay đổi lớn cả về đối nội và đối ngoại.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có cuộc chuyện trò với TTXVN về những điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, tương lai quan hệ Việt - Mỹ nói riêng, cũng như những trải nghiệm của cá nhân ông vào thời điểm nước Mỹ chuyển giao quyền lãnh đạo.
TG&VN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. (Nguồn: TTXVN) |
Tân Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ xem lại chính sách của chính phủ tiền nhiệm, trong đó có chính sách với châu Á - Thái Bình Dương. Theo Đại sứ, liệu việc này có tác động như thế nào đến quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước khi nói về chính sách của chính quyền mới đối với khu vực nói chung, nhìn vào quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua chúng ta có thể thấy rằng, trong 20 năm qua, quan hệ ngoại giao đã có phát triển rất lớn, trở thành đối tác toàn diện trên tất cả các mặt, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và các điểm song trùng lợi ích. Cũng trong 20 năm qua, đã có nhiều đời Tổng thống Mỹ khi thay đổi chính quyền. Chúng tôi có niềm tin rằng quan hệ đối tác toàn diện đó, vì lợi ích của cả hai nước, sẽ tiếp tục phát triển. Chúng ta có thể thấy quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại đã phục vụ lợi ích của cả Việt Nam và Mỹ, tạo động lực cho phát triển ở khu vực. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều từ 0,5 tỷ tăng lên 50 tỷ USD thể hiện chiều sâu của quan hệ thương mại song phương.
Thứ hai, quan hệ hai nước được mở rộng trên tất các lĩnh vực như đã đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện. Trong đó có khoa học kỹ thuật, đầu tư, giáo dục, an ninh-quốc phòng. Điều đáng nói nhất ở đây là cả hai bên đều có lợi, đều thừa kế lợi ích của mối quan hệ đó. Mỹ cũng có nhu cầu phát triển quan hệ với Việt Nam, Việt Nam cũng có nhu cầu phát triển quan hệ với Mỹ vì lợi ích của mỗi nước và vì lợi ích của khu vực, vì hòa bình, ổn định. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng qua nhiều đời Tổng thống khác nhau, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng thời, lợi ích song trùng của hai nước đã tạo nền tảng cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Và đặc biệt, có rất nhiều khuôn khổ hợp tác, như khuôn khổ về đối tác toàn diện, hay là những khuôn khổ về đối thoại đã được duy trì. Cả ba đời Tổng thống Mỹ gần đây, từ Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama đều đã thăm Việt Nam. Trong trường hợp ông Trump có điều chỉnh như thế nào thì hai bên cũng duy trì và phát triển những điểm song trùng đã có và tìm những điểm song trùng mới.
Hơn nữa, ngoài hợp tác song phương thì hai nước còn có nhiều khuôn khổ hợp tác phục vụ cho lợi ích của mình, cho lợi ích của khu vực trong các trao đổi diễn đàn song phương và đa phương khác. Thời gian qua, chúng ta đã phối hợp trong đảm bảo hòa bình và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như là trong khuôn khổ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việt Nam dẫn đầu các nước ASEAN về xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường lớn của châu Mỹ. (Nguồn: TTXVN) |
Lợi ích quốc gia là lâu dài nhưng từng thời điểm, với từng chính quyền, nước nào cũng vậy chứ không chỉ Mỹ, sẽ định hình các thứ tự ưu tiên khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau. Đây chính là điều mà chúng ta tiếp tục trao đổi, chia sẻ với đội ngũ của chính quyền mới để tạo làm sao những gì là lợi ích song trùng giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh lên, những gì là cài đặt mới thì tìm ra những lợi ích để có thể phát triển. Tôi tin rằng điểm đồng sẽ nhiều hơn điểm khác biệt, những điểm mới sẽ cần hình thức hợp tác tốt hơn.
Chúng ta chưa thể rõ định hình chính sách chung của Mỹ đối với Việt Nam hay đối với khu vực không chỉ châu Á - Thái Bình Dương mà còn các khu vực khác. Nhưng mà có một thông điệp rất rõ trong tuyên bố nhậm chức của Tổng thống Trump đó là ông sẽ nhìn nhận lợi ích nước Mỹ một cách thiết thực hơn và cụ thể hơn. Trong mối quan hệ đó, không chỉ mình Mỹ hay Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Nhưng ở đây lợi ích quốc gia không có nghĩa là đối chọi nhau mà quan trọng nhất là có nhiều điểm song trùng. Về thương mại, Mỹ cũng có muốn lợi ích thương mại trong quan hệ với các nước. Ta cũng muốn có lợi ích thương mại đối với các nước. Hai bên có hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau và đây chính là điểm mà chúng ta phải lưu tâm hơn. Bên cạnh lợi ích của ta, chúng ta cũng có thể quảng bá và đem lại lợi ích cho phía bạn thế nào, ngược lại cũng như vậy.
Năm ngoái, chúng ta đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing, thì đó chính là lợi ích của Mỹ. Ví dụ như khoa học kỹ thuật, Mỹ có thể chuyển giao cho Việt Nam rất nhiều, nhưng đồng thời Việt Nam có những sản phẩm mà người tiêu dùng Mỹ có thể sử dụng với giá rẻ hơn. Trong khi đó, Mỹ vẫn có thể đầu tư trên những lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cho Việt Nam, đó chính là sự tương hỗ lẫn nhau.
Tổng thống Donald Trump đã có một số phát biểu về chính sách đối ngoại theo xu hướng của "chủ nghĩa biệt lập". Tuy vậy, nhiều học giả cho rằng dù muốn hay không, chính quyền mới vẫn phải tập trung vào châu Á do đây là khu vực có liên quan chặt chẽ đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Đại sứ có thể nói rõ hơn về vấn đề này như thế nào? Việt Nam trông đợi Mỹ sẽ có cách tiếp cận như thế nào với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng như trong vấn đề Biển Đông nói riêng?
Trước hết về khái niệm chung "chủ nghĩa biệt lập" chúng ta phải hết sức thận trọng. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng nước Mỹ có vai trò toàn cầu, nước Mỹ gắn kết với thế giới và nếu qua những thông điệp của chính quyền mới, trong đó có cá nhân Tổng thống Donald Trump thì chúng ta đều thấy rằng Mỹ có những định hướng ưu tiên trong quan hệ với thế giới. Cái ở đây có lẽ người ta nhìn nhận rằng Mỹ sẽ điều chỉnh, cài đặt lại quan hệ thế nào đó để bảo đảm lợi ích tốt hơn đối với nước Mỹ, còn những mối quan hệ với các đối tác, với các khu vực trên thế giới, vai trò và sự gắn kết của Mỹ trên thế giới, tôi vẫn thấy nó nằm trong định hướng chính sách của chính quyền Trump.
Mỹ không thể rời châu Á - Thái Bình Dương, không thể không có lợi ích ở Biển Đông, một Biển Đông hòa bình, ổn định và tự do. Mỹ sẽ tranh thủ được các nước, các nước lớn khác cũng sẽ tranh thủ và bản thân các nước trong khu vực cũng sẽ tranh thủ được lẫn nhau. Đó là cùng hợp tác với nhau. Trong khu vực đã có khuôn khổ hợp tác sẵn và đã phát huy tác dụng, đó là khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn ASEAN mở rộng. Đây là điều mà tôi tin rằng sẽ là điều mà các nước quan tâm, trong đó có chính quyền mới của Mỹ.
Tôi cho rằng, dù tuyên bố thế nào thì chính sách nhất quán không chỉ của Mỹ mà của các nước khu vực có một số nội dung chính: Thứ nhất, hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và đặc biệt là tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các nước. Biển Đông là khu vực địa chiến lược và giao lưu thông thương hàng hải rất lớn cho nên an ninh hàng hải, tự do hàng hải là lợi ích của tất cả các nước và các bên phải chung tay gìn giữ. Thứ hai, để đảm bảo điều đó các nước đều phải lấy luật pháp và công ước về luật biển làm trung tâm. Tôi tin chắc rằng dù bất cứ ai cũng phải dựa vào trung tâm đó. Thứ ba, để tạo nỗ lực chung thực hiện mục tiêu này phải thúc đẩy tăng cường hợp tác và tăng cường phối hợp các nước trong khu vực. Chúng ta sẽ chờ thêm. Nhưng 3 điểm mấu chốt vẫn là hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, luật pháp quốc tế và công ước luật biển, và cuối cùng là phải chung tay vào cùng đóng góp xây dựng. Tôi tin đó là điều chỉnh chính sách của bất cứ nước nào.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong hiệp định này, Mỹ được xem là đầu tàu, Vậy việc Mỹ rút khỏi TPP tác động như thế nào đến khu vực và Việt Nam phải xử lý thế nào?
Trước hết thì các quốc gia có quyền lựa chọn tham gia hiệp định của mình, việc chính quyền mới xử lý TPP thế nào chúng ta sẽ theo dõi tiếp nhưng ở đây có 2 câu chuyện. Thứ nhất, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động, chiếm một nửa lợi ích thương mại, kinh tế và tăng trưởng của thế giới. Tôi tin rằng nước Mỹ, với hình thức này hay hình thức khác, sẽ phải gắn kết với khu vực này vì sự phát triển của nước Mỹ, vì lợi ích của nước Mỹ. Cho nêu điều này sẽ phải được chính quyền mới tính toán. Thứ hai, nếu điều chỉnh hay thay đổi cách tiếp cận với TPP thì dù sớm, dù muộn nước Mỹ vẫn phải có thông điệp về gắn kết kinh tế, thương mại với khu vực này. Đó là lợi ích của nước Mỹ và cũng là trông đợi của khu vực.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP. (Nguồn: Reuters) |
Đối với Việt Nam, chúng ta đã tham gia rất tích cực trong quá trình đàm phán TPP, có nhiều nỗ lực để hoàn thành hiệp định này. Việt Nam cùng 11 nước trông đợi rằng nếu TPP được tất cả các nước thông qua thì sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế. Nhưng nếu không có TPP, khu vực cũng đang có nhiều bước chuyển để tiếp tục thúc đẩy hội nhập, gắn kết, tăng cường giao lưu thương mại của bản thân khu vực.
Với Việt Nam, ngoài TPP, trong thời gian vừa qua chúng ta đã thúc đẩy đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại, kể cả hiệp định thương mại thế hệ mới như là với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc. Và như vậy, không gian thương mại của chúng ta tiếp tục phát triển. Nếu không có TPP với thị trường Mỹ, chúng ta phải tính toán làm sao tiếp tục quan hệ kinh tế và thương mại lớn hơn. Tương lai của TPP dù có như thế nào thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục cải cách kinh tế, hội nhập, đổi mới môi trường đầu tư trong nước... Đây chính là yêu cầu nội tại trong phát triển đất nước, đồng thời cũng là yêu cầu do các hiệp định thương mại song phương (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ xem xét lại nhiều diễn đàn đa phương mà Mỹ tham gia. Năm nay Việt Nam chủ trì hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), liệu Mỹ có thay đổi chính sách gì với diễn đàn này và Việt Nam nên gửi thông điệp gì đến chính phủ mới?
Trước hết, diễn đàn APEC đại diện cho châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, đây là diễn đàn duy nhất về phối hợp và hợp tác kinh tế ở khu vực đầu tàu của kinh tế thế giới, phát triển năng động nhất. Lợi ích của nước Mỹ nằm ở APEC và các đời Tổng thống Mỹ đều tham dự APEC. Các doanh nghiệp Mỹ khi tôi trao đổi trong suốt thời gian qua đều rất quan tâm đến APEC. Thứ ba, thông qua APEC, người ta có thể định hình được các định hướng ưu tiên cho khu vực có lợi cho các nền kinh tế thành viên. Diễn đàn này có thể tạo ra được quy định, tiêu chuẩn về thương mại để làm sao có thể hỗ trợ tốt nhất cho kinh tế mỗi nước thành viên trong khuôn khổ APEC. Chính quyền mới chưa nói nhiều về các diễn đàn đa phương, nhưng qua đánh giá của chúng tôi thì với các lợi ích kinh tế, thương mại, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất trông đợi sự tham gia của Mỹ để khu vực này phát triển năng động hơn và xây dựng những tiêu chuẩn mà cả Mỹ và các nước khác có thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi với phía Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc điện đàm chúc mừng Tổng thống mới Donald Trump cũng đã có lời mời ông Donald Trump tham dự Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới. Chúng tôi tin chắc rằng vào giai đoạn hiện nay khi kinh tế và thương mại thế giới đang phục hồi, đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức trở ngại, các nước càng cần phải ngồi lại với nhau, tính đến lợi ích của mình và tham dự tích cực hơn.
Ông trải qua nhiệm kỳ đại sứ của mình với hai đời tổng thống. Với vị tổng thống mới mà nhiều người đều nhận định là rất khó đoán định như ông Donald Trump, Đại sứ có thể chia sẻ về cách thức tiếp cận với chính quyền mới?
Điểm nhấn lớn nhất của người làm công tác đại diện ngoại giao ở nước ngoài đó là chúng ta có điều kiện tiếp xúc gần nhất, trực tiếp nhất với những người tham gia hoạch định chính sách trong chính quyền. Cách tốt nhất là trao đổi trực tiếp với họ. Tôi nhớ rằng cách đây vài hôm có một sự kiện là tiệc ăn trưa do một hiệp hội doanh nghiệp tổ chức. Trong số những người tham dự có bà Kathleen Troia McFarland, dự kiến đảm nhiệm chức vụ Phó Cố vấn An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump. Bà nói rằng: "Có những chỗ chúng tôi chưa có chính sách hoặc chưa định hình rõ thì chính các bạn, các nhà ngoại giao, đại diện các nước hãy khuyên chúng tôi, hãy thông tin cho chúng tôi". Trên cương vị đại sứ, tôi chủ trương vừa xem xét các chính sách, đồng thời chủ động trao đổi, chia sẻ những điều chúng ta mong muốn, những cái có thể là lợi ích chung và ưu tiên chung của hai nước ở tầm quan hệ song phương, ở tầm khu vực và các vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Tàu khu trục USS Mustin (DDG 89) tới Cảng Quốc tế Cam Ranh Sự kiện này thể hiện mối liên hệ mạnh mẽ về lịch sử, cộng đồng và quân sự giữa Việt Nam và Mỹ. |
Cô gái Mỹ thích sống ở Hà Nội Chelsea Kerbaugh, cô giáo trẻ lớn lên tại thị trấn nhỏ Prosper ở bang Bắc Dakota (Mỹ) cảm thấy “không thể hạnh phúc hơn” khi ... |
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Quan hệ Việt-Mỹ còn nhiều tiềm năng phát triển Ngày 16/11, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ về ... |