Lĩnh vực chế tạo vẫn thu hút rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. (Ảnh minh họa) |
Kết quả vừa được công bố ngày 23/2 dựa trên một khảo sát mới nhất về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tiến hành cuối năm 2015.
Tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn
Theo Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM Yasuzumi Hirotaka, dù tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam làm ăn năm ngoái có lãi chiếm 58,8%, giảm 3,5% điểm so với năm 2014 và số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 26,2%, tăng 1,3% điểm so với năm trước, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục được coi là điểm đầu tư hấp dẫn mà doanh nghiệp nước này muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Lý do được ông Hirotaka đưa ra là vì có đến 85% doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu tăng. Đáng chú ý là trong khối doanh nghiệp phi chế tạo, có 65% đánh giá khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật cũng kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế của Việt Nam. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất là việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ đơn giản hóa các thủ tục hải quan, dỡ bỏ thuế nhập khẩu, chính sách thuế, thống nhất trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp Nhật cũng kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan, tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc nguồn gốc xuất xứ.
Đánh giá về lợi thế môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Hirotaka cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục xem Việt Nam có nhiều lợi thế, nhất là chi phí nhân công rẻ. Chi phí nhân công của Việt Nam so với một số quốc gia khác là tương đối thấp, đặc biệt chi phí trong ngành công nghiệp chế tạo chưa bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Môi trường đầu tư tăng tính rủi ro
Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn cho rằng môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi do tăng tính rủi ro. Theo đó, trong 5 hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư” thì Việt Nam đã tăng 4 điểm so với năm 2014.
Trên 60% doanh nghiệp cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp, chi phí nhân công đang có xu hướng tăng cao…Hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam nhận định thủ tục thuế là những vấn đề cần phải nhanh chóng được hoàn thiện. Theo khảo sát, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 5 trong 15 quốc gia có rủi ro cao về “thủ tục hành chính phức tạp”.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện nào. Dù chúng tôi biết Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư song trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa cảm nhận được điều này”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội chia sẻ.
Một trong những trở ngại lớn nhất được nhiều doanh nghiệp đưa ra là khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại (65%). Các doanh nghiệp Nhật đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 32,1%, giảm 1,1% điểm so với năm trước. Tỷ lệ này thấp hơn Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%), Malaysia (36%).
Xét cụ thể hơn về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam sẽ thấy tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa là 41,2%, giảm 2,3% điểm so với năm 2014. So với các quốc gia khác, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nước ngoài khác (không phải doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản) còn cao. Báo cáo cũng nêu rõ, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước.
Giảm nhưng ổn định
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6/2015, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam với 2.661 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư là 37,7 tỷ USD, chỉ sau Hàn Quốc. Dù vậy, thời gian gần đây, đầu tư của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, xu hướng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Yasuzumi Hirotaka nhận định, một phần của việc suy giảm nguồn vốn đầu tư này là do đồng Yen của Nhật trong những năm này bị sụt giảm so với đồng USD và kinh tế Nhật đang gặp khó khăn nên doanh nghiệp Nhật đã cân nhắc hơn khi quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất. Dù giảm nhưng so với các nước khác, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam mang tính ổn định hơn.
So sánh môi trường đầu tư trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có thể thấy Indonesia có sự gia tăng chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp nội địa, Thái Lan đưa ra những thay đổi về chính sách đầu tư nhưng Việt Nam vẫn nổi bật lên là môi trường đầu tư tiềm năng nhờ khuyến khích đầu tư nước ngoài và quá trình hội nhập sâu rộng.
Hiện đầu tư của Nhật vào Việt Nam chủ yếu vào các ngành như chế tạo, phân phối bán lẻ, công nghệ thông tin (IT), tư vấn... Ngoài ra, số dự án đầu tư cho ngành khách sạn, ăn uống gia tăng do tác động từ việc nới lỏng quy chế đầu tư nước ngoài đối với ngành này từ năm 2015. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang thu hút nhiều đầu tư của Nhật Bản và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.