📞

Việt Nam vẫn thể hiện sức hút với nhà đầu tư Nhật Bản

Trúc Anh 13:45 | 03/05/2022
Trao đổi với TG&VN, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Nobuhiko Sasaki nhận định, Việt Nam đang cho thấy sức hút của một thị trường tiềm năng, có khả năng tăng trưởng đối với nhà đầu tư Nhật Bản. Có đến 1/2 doanh nghiệp được khảo sát cho biết muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumino và tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Nhật Bản-Việt Nam?

Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio tới Việt Nam nối tiếp chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide vào tháng 11/2020 và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản vào tháng 11/2021.

Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước trao đổi 22 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư của các công ty ở cả hai quốc gia, đặc biệt nổi bật là đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng, chuyển đổi số và môi trường…

Sự phát triển của chuỗi siêu thị Nhật Bản Aeon Mall cũng cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam đang mở rộng đến nhiều vùng nông thôn.

Chúng ta có thể chứng kiến sự hợp tác phát triển kinh tế hơn nữa giữa hai quốc gia khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế xanh, mua sắm nội địa, khử carbon, nguồn nhân lực...

Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Nobuhiko Sasaki. (Nguồn: JETRO)

Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đang có những bước phát triển như thế nào, thưa ông? Điều gì là cần thiết cho sự phát triển của mối quan hệ kinh tế giữa hai bên trong tương lai?

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua. Theo thống kê, đã có tổng số 4.935 dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam được phê duyệt với tổng vốn đầu tư lên tới 64,5 tỷ USD (lũy kế).

Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đứng thứ 4 và nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam hiện đứng thứ 3 (năm 2021), cả hai đều là những đối tác quan trọng của nhau.

Giao lưu nhân dân và giữa các doanh nghiệp giữa hai bên cũng đang diễn ra sôi nổi. Có khoảng 450.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế của đất nước chúng tôi.

Đáng chú ý, số lượng các công ty Nhật Bản mở rộng vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã tăng lên đến 2.000 doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong khối các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đều đánh giá Việt Nam đang có tiềm năng cả về sản xuất và thị trường. Tôi cho rằng, sẽ rất tốt nếu hai nước có thể xây dựng một mối quan hệ mà dựa trên đó giúp bổ sung những điểm mạnh và điểm yếu của nhau.

Chúng tôi cũng đang xem xét đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo - lĩnh vực hợp tác mà nhu cầu giữa hai bên đang tăng lên nhanh chóng.

Nhận định của ông về tình hình kinh tế thế giới và châu Á giữa bối cảnh hiện nay? Môi trường kinh doanh của Việt Nam và Nhật Bản đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức nào?

Theo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 19/4, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và 2023 là 3,6%, mức điều chỉnh giảm lần lượt 0,8 điểm và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó (tháng Một), phần lớn chủ yếu do tình hình căng thẳng của xung đột Nga-Ukraine.

Bên cạnh đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đã ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát toàn cầu (lên tới 7,4%). Giá cả tăng cao cũng là một yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

IMF cũng điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á mới nổi, giảm 0,5 điểm so với cuộc khảo sát trước (tháng Một) xuống 5,4% vào năm 2022.

Một yếu tố bất lợi nữa là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, vốn là nền kinh tế có quy mô lớn trong khu vực. Mặc dù có một số yếu tố khó lường như quyết định phong tỏa nhiều thành phố của Trung Quốc do sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhìn chung, hoạt động kinh tế thích ứng với tình hình dịch bệnh sẽ phục hồi trên toàn cầu.

Tuy nhiên, thương mại trực tiếp của Nga và Ukraine đang bị hạn chế, ảnh hưởng gián tiếp bởi giá hàng hóa thứ cấp tăng vọt, giảm nhu cầu của các đối tác thương mại lớn như châu Âu.

Trong thời điểm hiện tại, áp lực tăng giá sẽ là yếu tố ảnh hưởng xấu đối với kinh tế thế giới. Các biện pháp đối phó với vấn đề chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (chủ yếu là ở Mỹ) cũng được cho là yếu tố kìm hãm tiêu dùng và đầu tư.

Đầu tư vào lĩnh vực xanh và kỹ thuật số dự kiến ​​sẽ tăng lên. Việc chuyển đổi dần sang nền kinh tế loại bỏ carbon trên phạm vi toàn cầu và đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi số được dự báo có triển vọng mở rộng, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến các lĩnh vực này.

Sản xuất ô tô tại nhà máy Toyota Việt Nam. (Nguồn: Toyota Việt Nam)

Ông có thể chia sẻ những lĩnh vực mà JETRO đang tập trung triển khai hoạt động tại Việt Nam hiện nay?

JETRO chính thức mở văn phòng hoạt động tại Hà Nội vào năm 1993 và tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2.000. Từ đó đến nay, Việt Nam đang ngày càng được quan tâm và trở thành điểm đến yêu thích của các công ty sản xuất Nhật Bản.

Tại Việt Nam, JETRO hiện đang triển khai hoạt động tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản (Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu); thu hút các công ty nước ngoài (đầu tư của các công ty Việt Nam vào Nhật Bản cũng tăng lên); kinh tế xanh, kinh tế khử carbon (vấn đề các công ty Nhật Bản rất quan tâm); xuất hẩu nông, hải sản (an toàn, an ninh, y tế).

Nhật Bản vẫn đang khẳng định vị trí là một trong những nhà đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu của Việt Nam. Ông dự báo như thế nào về dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio?

Khi khảo sát xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản và khi được hỏi họ có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam hay không thì có đến 1/2 doanh nghiệp đều trả lời là mong muốn. Lý do được các nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra là Việt Nam đang cho thấy sức hút của một thị trường tiềm năng, có khả năng tăng trưởng.

Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có thể sử dụng được nguồn nhân lực dồi dào của Việt Nam và cùng đất nước các bạn phát triển hơn nữa.

Với những kết quả khả quan như vậy, tôi kỳ vọng dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)