Việt Nam-Nhật Bản và tiềm năng hợp tác không giới hạn. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân. (Nguồn: Baocongthuong) |
Trao đổi với TG&VN, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng chia sẻ quan điểm về quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản và những vấn đề Việt Nam cần tập trung để duy trì sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Nhật Bản hiện nay?
Chỉ trong 10 năm, từ 2011-2021, xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng 2,2 lần. Nhập khẩu của Nhật Bản từ Việt Nam tăng 1,9 lần.
Tính lũy kế, vốn đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng 2,7 lần về giá trị trong năm 2021 so với năm 2011.
Bất chấp một số sự cố nghiêm trọng đã xảy ra trong khoảng thời gian này, chẳng hạn như: trận động đất ở Đông Nhật Bản năm 2011 và đại dịch Covid-19 kéo dài trong hai năm 2020 và 2021, các mối quan hệ kinh tế vẫn đang được mở rộng một cách đều đặn và toàn diện.
Và cùng vun đắp lên những thành quả nói trên, có sự góp sức của khoảng 2.000 doanh nghiệp thành viên Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh), chiếm số lượng lớn nhất trong ASEAN.
Những kết quả nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio vừa qua và những tác động của nó đến quan hệ hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới?
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. |
Nhìn dưới góc độ kinh tế, chuyến thăm thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng Suga Yoshihide đã đến thăm Việt Nam vào tháng 11/2020. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản vào tháng 11/2021.
Và nay, Thủ tướng Kishida Fumio thực hiện chuyến thăm Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát.
22 biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết, cho thấy sự đầu tư tích cực của cả hai nước. Trong đó, hợp tác trong chuyển đổi số (DX), môi trường và chăm sóc y tế cho thấy những xu hướng hợp tác, kinh doanh mới. Hay sự phát triển của AEON Mall cũng đang cho thấy xu hướng mở rộng thị trường bán lẻ của Việt Nam ở khu vực nông thôn.
Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác trong ba sáng kiến: Tăng cường củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy DX giữa các doanh nghiệp và hợp tác kỹ thuật và cải tiến việc mua sắm địa phương.
Thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho thấy, dịch bệnh Covid-19 không thể ngăn cản các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam là bến đỗ tin cậy. Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất đối với họ. Quan điểm của ông thế nào về thực tế này?
Theo kết quả khảo sát của JETRO về kế hoạch mở rộng kinh doanh của các công ty Nhật Bản năm 2021, điểm đến Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1988 đến năm 2022, lũy kế số dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản hiện là hơn 4.800, với tổng giá trị lên tới 65 tỷ USD. Cùng với Hàn Quốc và Singapore, vị trí của các nhà đầu tư Nhật Bản luôn trong top đầu.
Số lượng công ty Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam ngày càng tăng, tỷ trọng giữa công nghiệp chế tạo và phi sản xuất hiện khoảng 50%.
Các sản phẩm công nghệ và nông sản xuất sắc của Nhật Bản đã gia nhập thị trường Việt Nam, với kỳ vọng đón đầu thị trường trung và cao cấp đang ngày càng mở rộng ở đây.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới góp phần tích cực trong năng lực chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam, đồng thời phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nói một cách khác, hoạt động đa dạng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang đóng góp đa tầng trong nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cần tập trung vào vấn đề gì để tiếp tục hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng?
Theo khảo sát của JETRO vào năm ngoái, nền kinh tế Việt Nam hiện còn tồn tại một số vấn đề cần lưu ý, như tăng lương, tình trạng thiếu lao động, thủ tục hành chính nhiều khi chưa rõ ràng và tỷ lệ mua sắm địa phương tương đối thấp.
Về nguồn nhân lực, tôi mong rằng các thực tập sinh có kỹ năng và nguồn nhân lực tay nghề cao của Việt Nam sẽ trở lại Việt Nam và đóng vai trò tích cực hơn trong các các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động.
Việt Nam là một trong những cơ sở quan trọng để ứng phó với rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu cho các ngành công nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, việc gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian nhất định cũng là vấn đề Việt Nam cần lưu tâm.
Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động kinh doanh/đầu tư và chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản hiện nay như thế nào? Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ra sao trong tương lai? JETRO có kế hoạch gì để hỗ trợ phát triển mối quan hệ này?
Về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, JETRO đang theo dõi tiến độ và những trở ngại của 39 dự án tại Việt Nam được nhận hỗ trợ từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - METI, JETRO là đơn vị được giao là đầu mối.
Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Kishida, JETRO cũng đã ký hai MOU: Một là, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực góp phần định hướng nền kinh tế Việt Nam với Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) trong tăng trưởng xanh, kinh tế số và Công nghiệp 4.0.
Hai là, Trung tâm Sáng tạo Quốc gia (NIC), JCCI và JETRO ký kết bản ghi nhớ, nhằm thúc đẩy kết nối giữa các công ty thành viên của JCCI và các công ty khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam.
Việt Nam hiện đang hướng tới một nền kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững, mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này của Việt Nam? Trong nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam, các công ty Nhật Bản có thể cùng tham gia hay hỗ trợ như thế nào?
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức ở Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Nhật Bản cũng đã trải qua các vấn đề ô nhiễm trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh.
Hiện nay, phía sau sự phát triển kinh tế vượt bậc ở Việt Nam, vấn đề môi trường trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Việc Chính phủ Việt Nam coi công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường là một trong những ưu tiên trong thu hút FDI là động thái tích cực để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Từ đó, cũng có rất nhiều cơ hội để các công ty của Nhật Bản có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam vì một mục tiêu chung.
| Giá vàng hôm nay 11/5: Giá vàng lao xuống đáy, tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện, kích hoạt bán tháo mạnh, vàng còn là nơi ẩn náu tin cậy? Giá vàng hôm nay 11/5 đã lao xuống dưới mức hỗ trợ quan trọng 1.850 USD, dù kim loại quý đã phải vật lộn để ... |
| Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 5/2022? Mặt bằng lãi suất năm 2022 có thể tăng trở lại, mức tăng khoảng 0,5% – 1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối của năm. ... |