Lễ chào cờ tại quần đảo Trường Sa. |
Thực tiễn của luật pháp quốc tế tồn tại 5 hình thức thụ đắc lãnh thổ cơ bản gồm: Thụ đắc bằng chiếm hữu thực sự, thụ đắc bằng chuyển nhượng, thụ đắc bằng chiếm hữu theo thời hiệu, thụ đắc bằng xâm chiếm và thụ đắc bằng sự tác động của thiên nhiên.
Việt Nam thực hiện liên tục và hoà bình quyền lực nhà nước
Các cứ liệu lịch sử đều cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII, tức là trước khi có sự công bố bản đồ của Đỗ Bá năm 1868. Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng hình thức chiếm hữu thực sự cho việc thụ đắc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này hoàn toàn phù hợp với công bố của Nhà nước trong sách trắng của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng những hoạt động tổ chức khai thác, khảo sát, đặt bia, xây miếu, trồng cây, bảo vệ ngư dân… cũng như đã thể hiện ý chí thông qua hành vi của các nhà chức trách được quốc gia ủy quyền thực hiện chủ quyền của Nhà nước trên hai quần đảo bằng cách đặt ra các quy định thưởng phạt nghiêm minh, thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo đảm an toàn bằng hàng hải quốc tế, cứu hộ người bị hại… Nhà nước đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của việc thụ đắc lãnh thổ vô chủ vào những thời kỳ đó.
Như vậy, nguyên tắc thực hiện liên tục và hoà bình quyền lực nhà nước tạo ra danh nghĩa chủ quyền đã được chấp nhận trên thực tiễn quốc tế khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Vì thế, Việt Nam có thể sử dụng nguyên tắc này trong trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong lịch sử, thông qua hai đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện liên tục và hoà bình quyền lực của mình đối với hai quần đảo và như vậy đã xác lập chủ quyền ở đó.
Tính kế cận trong xác định chủ quyền
Tuy nhiên, một số quốc gia đã dựa vào tính kế cận để đưa ra yêu sách chủ quyền với hai quần đảo này. Song trong thực tiễn các quy phạm pháp luật quốc tế, không có điều khoản nào quy định quốc gia ven biển có đảo nằm gần là thuộc về chủ quyền của quốc gia đó.
Một đảo nằm gần một quốc gia ven biển, chủ quyền vẫn có thể thuộc về nước khác không phụ thuộc vào vị trí địa lý, tính kế cận. Thực tiễn tập quán quốc tế và nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại đã khẳng định chủ quyền của một quốc gia đối với các vùng lãnh thổ phụ thuộc vào quá trình xác lập chủ quyền về mặt nhà nước của quốc gia đó, chứ không phụ thuộc vào tính kế cận về địa lý.
Kiều bào tham gia các chuyến thăm đảo. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hải Phòng) |
Ví dụ, đảo Jersey, Guernsey, Alderney và Shark nằm gần Pháp hơn Anh, nhưng chủ quyền thực tế lại thuộc về Anh. Đảo Phú Quốc nằm gần Campuchia hơn Việt Nam, nhưng chủ quyền thực tế thuộc về Nhà nước Việt Nam.
Sự phát triển của luật pháp quốc tế hiện đại và luật biển quốc tế đến sự hình thành quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 không có điểm nào quy định lợi thế về mặt vị trí địa lý của một quốc gia với sự khẳng định chủ quyền về một vùng lãnh thổ như các đảo đá, bãi ngầm, bãi cạn. Một đảo nằm gần một quốc gia ven biển chưa hẳn thuộc chủ quyền về quốc gia đó, đó cũng là lẽ đương nhiên.
Chỉ Việt Nam có chứng cứ phù hợp
Xét về mặt nhà nước, xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, duy nhất chỉ có Việt Nam là có chứng cứ phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ.
Những cơ sở pháp lý thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh một cách rõ ràng rằng, vào nửa đầu thế kỷ XVII, khi Chúa Nguyễn bắt đầu thực thi chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có một quốc gia nào khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo này.
Do đó, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không thể chối cãi.