📞
Quan hệ Kinh tế Việt Nam - LB. Nga

Việt - Nga, Mối quan hệ 7 thập kỷ và mục tiêu 10 tỷ USD

Phan Thanh 16:40 | 19/05/2019
TGVN. Sau khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm, hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020, như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.

Sau khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại Việt - Nga tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm, hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020, như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.

Không gì cản trở quan hệ phát triển

Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt mức 3,55 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,24 tỷ USD, tăng 24% và nhập khẩu đạt 1,06 tỷ USD, tăng 59,5%. Việt Nam giữ vị trí thứ 23 trong thương mại quốc tế của Nga, còn Nga giữ vị trí thứ 20 trong các nước đối tác thương mại của Việt Nam.

Dự án của TH True Milk tại Nga là một điểm sáng trong quan hệ Việt – Nga. (Nguồn: THmilk)

Về đầu tư, ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tính đến tháng 6/2018, Nga có 117 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1 tỷ USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Nga hiện đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, còn Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD. Việc Tập đoàn TH True Milk đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moscow, Kaluga là một điểm sáng trong quan hệ.

Tuy vậy, con số kim ngạch song phương từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong 1 năm được coi là rất khiêm tốn, so với tiềm năng thực sự của hai bên và cũng nhỏ bé so với mức độ hợp tác về chính trị giữa hai nước. Và thực tế, các số liệu trên đúng là khá khiêm tốn so với một số đối tác lớn khác, chẳng hạn: kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN là khoảng 50 tỷ USD, kim ngạch Việt – Mỹ hiện ở mức 60 tỷ USD, Việt - Trung khoảng 100 tỷ USD.

Hồi năm 2015, khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới TP. Hồ Chí Minh, giới chuyên gia khi đó đã chỉ ra thực tế kim ngạch này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và chỉ khoảng 0,2% kim ngạch thương mại của Nga – những con số rất nhỏ.

Quan hệ Việt - Nga vốn đặc biệt với quá trình lịch sử và kéo dài 7 thập kỷ hợp tác. Nga cũng là quốc gia đầu tiên Việt Nam chọn để thiết lập Đối tác chiến lược ngay khi khởi động tiến trình đẩy mạnh mở cửa hội nhập, sau này nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Mọi quan hệ đối tác sẽ có sức nặng hơn khi song hành là một quan hệ kinh tế sôi động, mạnh mẽ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời hãng Thông tấn Nga Tass trước thềm chuyến thăm hồi đầu tháng 9/2018, khẳng định Nga là "đối tác truyền thống rất quan trọng". Trong suốt chiều dài gần 70 năm lịch sử quan hệ, nhân dân hai nước đã cùng kề vai sát cánh, tương trợ, giúp đỡ nhau, “Tôi không thấy có vấn đề gì gây trở ngại cho việc tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Cần những điểm đột phá

Mới đây, tại Hội thảo Việt - Nga với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong một thế giới biến động” nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Việt Nam (2/2019), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, quan hệ chính trị giữa hai nước Việt - Nga có độ tin cậy cao, quan hệ kinh tế, thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ và hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo ngày càng mở rộng.”

Tuy nhiên, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020 lại đang là thách thức không nhỏ.

Lý giải cho thách thức này, Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh đã chỉ ra một số nguyên nhân. Một là, hai bên vẫn chưa có những cơ chế hữu hiệu để phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Hai là, doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau nên chưa có đủ độ tin cậy trong giao dịch thương mại. Ba là, việc thanh toán bằng nội tệ của hai nước vẫn chưa được chấp nhận.

Từ nay đến 2020, thời gian không còn nhiều, đòi hỏi các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của hai nước phải hết sức nỗ lực mới đạt được mục tiêu đề ra. Hai bên cần quyết liệt, tích cực tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá.

Mới đây, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Đông Âu (8/5) tại TP. Hồ Chí Minh, Trưởng chi nhánh Hồ Chí Minh, Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam D.Makarov cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong các nước ASEAN. 1/3 kim ngạch xuất khẩu, cũng như kim ngạch nhập khẩu của Nga với các nước Đông Nam Á do Việt Nam nắm giữ. Như vậy, có thể coi vai trò quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng tăng.

Tin tưởng vào những bước tiến mạnh mẽ, ông D.Makarov cũng thông tin thêm về những nhà kinh doanh Nga muốn chuyển nhà máy dệt may từ Trung Quốc vào Việt Nam và bố trí đặt may quần áo, da giày tại những doanh nghiệp Việt Nam. Họ cho rằng, hàng sản xuất ở Việt Nam sẽ có cầu tiêu thụ tại Nga. Đây cũng là một cơ hội tốt để tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nga.

Có thể nói, trong tương lai, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu, sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước Đông Âu nói chung và Nga nói riêng. Khuôn khổ pháp lý trên được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt - Nga và hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD.