Vinfast tham vọng ‘phủ sóng’ thị trường phương Tây. Trong ảnh: Xe điện VinFast VF 5 được trưng bày tại hội nghị điện tử CES vào ngày 5/1 ở Las Vegas, Nevada. (Nguồn: AFP) |
“Đó cũng là một trong những lựa chọn tài chính của VinFast, nhưng chúng tôi cần chứng minh cho họ thấy, mình đủ năng lực”, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói với các phóng viên.
Tuần trước, VinFast cho biết, công ty mẹ có trụ sở tại Singapore đã nộp đơn đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ, khi công ty sẵn sàng đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina.
VinFast, công ty sản xuất ô tô và xe máy điện của Việt Nam, đang đặt cược lớn vào thị trường “xứ cờ hoa”, với hy vọng sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô và các công ty khởi nghiệp bằng hai mẫu xe SUV chạy bằng điện và mô hình thuê pin với mức giá ưu đãi.
Ông Vượng cho biết, VinFast đã cam kết IPO sẽ giúp xây dựng nhà sản xuất xe điện trở thành một thương hiệu toàn cầu, tuy vậy “Nếu điều kiện không phù hợp, chúng tôi có thể chờ đợi”, ông nói thêm.
"Bản thân chúng tôi quyết tâm thúc đẩy và cam kết thực hiện đợt IPO này, nhưng mục tiêu cao nhất không phải là tài chính mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu", ông nói.
Chương trình cho vay Sản xuất xe công nghệ tiên tiến (ATVM) của chính phủ Mỹ là một lựa chọn khác mà VinFast đang tìm hiểu.
Quỹ trị giá 25 tỷ USD được thành lập vào năm 2007 bởi Quốc hội Mỹ khi các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit đang rơi vào khủng hoảng, hiện đang được quản lý bởi Bộ Năng lượng và vẫn có khả năng cho vay gần 18 tỷ USD.
VinFast đã hứa sẽ tạo ra 7.500 việc làm tại nhà máy theo kế hoạch của mình ở Bắc Carolina, nơi sẽ chế tạo các mẫu xe SUV VF8 và VF9 chạy bằng pin.
Công ty cũng cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu xây dựng nhà máy ngay sau khi được cấp giấy phép với mục tiêu bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Mục tiêu khởi động sản xuất hai loại xe điện này tại nhà máy Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ vào cuối năm 2022 cũng đã được Vinfast đề ra.