Hai chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu An ninh phi truyền thống, Đại học Nam Dương (Singapore) Sunil Unnikrishnan và Mely Caballero-Anthony vừa có bài viết đăng trên trang web của Viện RSIS về sự bùng phát virus Zika ở Đông Nam Á.
Theo đó, tính đến ngày 23/9, Singapore đã ghi nhận 387 trường hợp, trong đó có 16 phụ nữ mang thai, nhiều trường hợp khác cũng đã được ghi nhận ở Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Hai chuyên gia này cho rằng sự bùng nổ của virus Zika một lần nữa đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục giám sát và kiểm soát dịch bệnh trong khu vực, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc cần có một chiến lược y tế công cộng rõ ràng và toàn diện, để đối phó với mối đe dọa của các loại dịch bệnh mới xuất hiện đối với an ninh sức khỏe.
Nhiều trường hợp nhiễm virus Zika đã được ghi nhận ở Singapore, ở Philippines, Malaysia và Thái Lan. |
Không chỉ là Zika
Ở hầu hết các trường hợp, bệnh do virus Zika tương đối nhẹ, nhưng nó là mối lo ngại nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai. Có khoảng 1% trường hợp mang thai bị ảnh hưởng bởi Zika, trẻ sơ sinh được sinh ra với tật đầu nhỏ bất thường đi kèm với tổn thương thần kinh, dẫn đến gánh nặng sức khỏe suốt đời.
Các tác động về kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn của Zika ở Đông Nam Á không lớn. Hồi tháng 2/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính các chi phí ngắn hạn để đối phó với dịch Zika ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe chỉ chiếm 0,06% GDP. Nhưng WB cho rằng, chi phí về lâu dài có thể cao hơn nhiều, nếu mối liên hệ giữa Zika và dị tật đầu nhỏ được chứng minh. Hiện nay, người ta cho rằng, dị tật đầu nhỏ là hậu quả của việc nhiễm virus Zika.
Gánh nặng lâu dài về sức khỏe cũng sẽ tăng lên nếu Zika trở thành dịch bệnh phổ biến ở Đông Nam Á. Khả năng này đã rất rõ ràng, kể từ khi muỗi Aedes lan rộng trong khu vực. Việc đi lại và ngành du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc… đã đưa ra cảnh báo đi lại liên quan đến Zika. Còn Bộ Giáo dục Malaysia đã phải hoãn tất cả các chuyến giao lưu, học tập tới Singapore và Philippines.
Dị tật đầu nhỏ hiện bị cho là do hậu quả của việc người mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai.(Nguồn: Independent) |
Với lịch sử dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm H5N1 trong khu vực, các bệnh mới xuất hiện như virus lây nhiễm Zika đặt ra một mối đe dọa đối với an ninh sức khỏe ở Đông Nam Á. Bệnh dịch này như một lời nhắc nhở ASEAN cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách về tăng cường năng lực của hệ thống y tế công cộng trong khu vực.
Tự củng cố năng lực khu vực
Tại Đông Nam Á, việc khai thác tài nguyên môi trường tự nhiên và đô thị hóa nhanh chóng đang tạo thuận lợi cho sự xuất hiện và lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm. Bản thân việc tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mang lại sự tiếp cận tốt hơn với các cơ sở y tế. Nhưng mật độ dân số quá cao và sự kết nối dày đặc của các trung tâm đô thị đã khiến bất kỳ sự bùng phát dịch bệnh nào đều có khả năng lây lan nhanh và xa hơn.
Tình hình buộc các nước phải có cách tiếp cận chủ động với trọng tâm tập trung vào giám sát dịch bệnh ở cả cấp quốc gia và khu vực. Để làm được điều đó, đặt ra yêu cầu xây dựng và duy trì các cơ sở thí nghiệm, tăng cường năng lực của bệnh viện, năng lực sản xuất vaccin, các loại thuốc, và năng lực thể chế cho việc đánh giá rủi ro và truyền thông, cùng rất nhiều vấn đề khác.
Trong thập kỷ qua, các nước trong khu vực đã đạt được những tiến bộ trong việc hướng tới xây dựng năng lực cốt lõi để thực hiện đầy đủ các yêu cầu Quy định Y tế Quốc tế (IHR).
Với tư cách là thành viên của thỏa thuận IHR, các nước ASEAN phải xây dựng năng lực của mình để đáp ứng được yêu cầu phát hiện, đánh giá và báo cáo các sự kiện liên quan tới sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, khi dịch Zika bùng phát đã phơi bày năng lực hạn chế của một số nước ASEAN, chẳng hạn, việc các quan chức y tế Indonesia và Philippines thừa nhận thiếu bộ dụng cụ đầy đủ để xét nghiệm Zika.
Vì một số lý do, việc xây dựng năng lực ở cấp độ khu vực cũng không kém phần quan trọng đối với việc giải quyết các dịch bệnh mới xuất hiện. Thứ nhất, do năng lực của hệ thống y tế của mỗi nước khác nhau. Các hệ thống y tế yếu rất khó khăn trong việc đối phó với bệnh lây nhiễm ít được biết đến như Zika vì thiếu các kiến thức cơ bản về căn bệnh này, cũng như chưa có phác đồ điều trị tốt nhất. Thứ hai, do sự biến đổi quá nhanh chóng của các loại vi khuẩn mới xuất hiện và khả năng truyền nhiễm quá cao, nên sự năng động và hợp tác rõ ràng của các cơ chế trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết ở cấp độ khu vực.
Cùng với những nỗ lực không ngừng về chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn ở cấp khu vực, việc thành lập một trung tâm khu vực kiểm soát dịch bệnh nên được sớm triển khai. Đây là một ý tưởng tốt đã từng được nói tới trước đây.
Trong ngắn hạn, các cơ chế khu vực như Nhóm công tác kỹ thuật ASEAN về chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với đại dịch cần phải được tăng cường hơn nữa. Do tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro và truyền thông, năng lực thể chế của Trung tâm nguồn lực truyền thông về rủi ro ASEAN (RCRC) cũng cần được nâng cao.
Poster cảnh báo về virus Zika tại Cảng quốc tế Batam (Indonesia). (Nguồn: Bangkokpost) |
Hợp tác ngoài ASEAN để chủ động ứng phó
Xây dựng năng lực phòng chống các dịch bệnh cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác với các bên liên quan khác. Cộng đồng khoa học trong ASEAN+3 (APT) bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với vô số các nghiên cứu giá trị, có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc phát triển công tác chẩn đoán nhanh và giá rẻ đối với các dịch bệnh mới xuất hiện. Trong thời gian qua, sự hợp tác trong cộng đồng APT đã giúp tăng cường năng lực đào tạo dịch tễ học trong khu vực, thông qua việc thành lập Mạng lưới đào tạo lĩnh vực dịch tễ học APT (FETN).
Trong hợp tác với các tổ chức khác, ASEAN cũng cần thực hiện các bước đầu tư phát triển vaccin. Vaccin là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là khoảng thời gian giữa sự bắt đầu một đợt bùng phát dịch bệnh và thị trường vaccin sẵn có. Các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccin Zika sẽ bắt đầu vào năm tới và chủng ngừa dự kiến chỉ có thể đưa vào sử dụng trong năm 2018.
Các vấn đề về thương mại và quản lý lâu nay thường cản trở sự tiếp cận công bằng và phát triển của vaccin. Liên minh các sáng kiến chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch (CEPI) mới đi vào hoạt động ngày 21/7, đang tìm cách vượt qua những rào cản này và thúc đẩy nghiên cứu phát triển vaccin cho các bệnh mới xuất hiện. CEPI có ý định tài trợ cho năng lực sản xuất và thử nghiệm trên người giai đoạn đầu. Ngoài ra, Tổ chức này còn có kế hoạch xây dựng một kho dự trữ nhỏ vaccine thử nghiệm. Đây là tổ chức do Chính phủ Na Uy và Ấn Độ hợp tác với tổ chức Wellcome Trust, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập. ASEAN có lẽ nên xem xét việc tham gia CEPI và đóng góp vào các nỗ lực quốc tế mới hướng tới phát triển vaccin.
Các dịch bệnh mới xuất hiện có thể gây ra tổn thất lớn đến cuộc sống con người, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp, các dịch bệnh như Zika có thể dẫn đến gánh nặng lâu dài đáng kể cho hệ thống y tế của một quốc gia. Để có thể chủ động ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện, cần đầu tư tăng cường xây dựng năng lực hệ thống y tế công cộng quốc gia cũng như ở cấp độ khu vực và quốc tế.