📞

Võ đường Việt Nam thu hút cảnh sát Pháp!

10:44 | 16/11/2011
Ở một quốc gia có rất nhiều môn thể thao và võ thuật phát triển như nước Pháp, võ cổ truyền Việt Nam vẫn tìm được chỗ đứng và ngày càng phát triển…
Các học viên người Pháp đang tập luyện tại Võ đường của Võ sư Đặng Văn Sung.

Hầu hết những ai tham gia các hoạt động cộng đồng của Hội người Việt Nam tại thành phố Marseille (miền Nam nước Pháp) đều ngỡ ngàng khi gặp võ sư Philippe Đặng Văn Sung khi biết rằng người “thanh niên” trẻ, vạm vỡ và hoạt bát này lại là một người đàn ông “trung niên”, năm nay đã 51 tuổi. Càng ngạc nhiên hơn nếu nói chuyện với vị võ sư này, được biết rằng thủa thơ ấu, ông là một người rất ốm yếu và khó nuôi, dù sang Pháp cùng cha mẹ từ năm 1 tuổi.

Võ sư Đặng Văn Sung.

Võ sư Đặng Văn Sung cho biết, tình hình sức khỏe của ông bắt đầu cải thiện kể từ năm 12 tuổi, khi ông bắt đầu học võ cổ truyền từ người chú của mình. Ban đầu chỉ là để rèn luyện sức khỏe và tập luyện theo truyền thống gia đình, nhưng ông không biết rằng cả cuộc đời của ông sau này đều gắn với võ cổ truyền Việt Nam. Bằng sự tập luyện kiên trì và công phu, sau gần chục năm, võ sư Đặng Văn Sung đã trưởng thành và liên tiếp hai lần vô địch cuộc thi đấu võ tự do tại Pháp vào các năm 1978 và 1979. Cũng từ năm 1978, võ sư Đặng Văn Sung bắt đầu dạy võ cho quân đội Pháp cũng như quân đội và cảnh sát của 11 quốc gia khác.

Ý nguyện của võ sư Đặng Văn Sung trở thành hiện thực vào năm 1996 khi ông có đủ tiền để mở một võ đường theo đúng mô hình của Việt Nam. Trong võ đường của ông, luôn luôn có thường trực khoảng 150 người tập luyện, đa phần là người Pháp. Ở đất nước mà các môn võ thuật quốc tế như Judo, Taekwondo, Karaté... rất phát triển và thậm chí, nhiều người Pháp đã đi vào lịch sử thể thao Pháp như David Doullet - 4 lần vô địch thế giới Judo hay Teddy Riner - 5 lần vô địch thế giới... thì võ cổ truyền vẫn có được chỗ đứng vững chắc của mình.

Võ sư Đặng Văn Sung giải thích: “Rất nhiều người Pháp bị thu hút bởi tính hiệu quả trong kỹ thuật của võ cổ truyền Bình Định. Tôi có rất nhiều học trò là cảnh sát. Họ tìm đến võ cổ truyền để tìm lại những giá trị về kỷ luật và sự tôn trọng - đây là những giá trị rất được tôn vinh ở Pháp”.

Võ đường của võ sư Đặng Văn Sung cũng nằm trong số ít những tổ chức nhận được giải thưởng của châu Âu về những nỗ lực dành cho người tàn tật. Võ sư Đặng Văn Sung đã mở một lớp học đón gần 50 môn sinh là người mất thị giác, giúp những người này tìm lại khả năng thích ứng trong cuộc sống. Sau 7 năm nghiên cứu, các phương pháp của ông đã được công nhận và được trao giải thưởng tại Thượng viện Pháp năm 2006. Võ sư Đặng Văn Sung cho biết: “Tôi đã tìm ra một phương pháp sư phạm thích ứng bằng cách dựa trên một số yếu tố. Cụ thể, khi một người mất đi một giác quan, thì đồng thời họ mất đi một khả năng khác, chẳng hạn như ai đó mất thị giác thì mất khả năng thăng bằng. Mặt khác, những người này thường giữ vị trí thấp trong xã hội vì có rất ít hoặc không có việc làm cho họ. Thêm vào đó, khả năng xã hội hóa của họ cũng rất thấp, đặc biệt là những người đã từng có khả năng nhìn và mất đi khả năng này. Hiện nay phương pháp của tôi đang được nghiên cứu ở 5 tỉnh của Pháp và một số giáo viên dạy thể dục cũng sử dụng phương pháp của tôi”.

Năm 2010, võ sư Đặng Văn Sung đã tiến thêm một bước trong việc quảng bá võ truyền Việt Nam với việc thành lập Liên đoàn võ cổ truyền tại Pháp. Ngay sau khi thành lập, Liên đoàn tại Pháp đã nhận được yêu cầu hỗ trợ thành lập các liên đoàn tương tự ở châu Âu (Italy, Đức, Áo) và châu Phi (Maroc, Tunisia, Burkina Faso...). Mong muốn của võ sư Đặng Văn Sung là về lâu dài, các liên đoàn này sẽ kết hợp với Liên đoàn võ cổ truyền ở Việt Nam để tạo nên một Liên đoàn võ cổ truyền quốc tế.

Đó là về lâu dài, còn trong ngắn hạn, võ sư Đặng Văn Sung cũng có kế hoạch nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp. Trong 15 năm tồn tại, võ đường của ông đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa thu hút đông đảo người tham gia, như ngày hội múa lân dịp Tết Nguyên Đán năm 2009 thu hút tới 7.000 người ở Marseille. Ông Đặng Văn Sung cho biết: “Năm 2013 sẽ là năm giao lưu Pháp - Việt Nam, chúng tôi muốn tổ chức một loạt hoạt động trên toàn lãnh thổ Pháp. Chúng tôi có thể tổ chức ít nhất ở 5 thành phố lớn là Marseille, Paris, Toulouse, Nice, Lyon nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Có một chi tiết khá thú vị là thời trẻ, võ sư Đặng Văn Sung có ước mơ trở thành nhà văn chứ không phải theo nghiệp võ. Ngay cả khi sau này, dù đã trở thành một võ sư nổi tiếng ở Pháp, ông vẫn viết tiểu thuyết và làm thơ bằng tiếng Pháp để thỏa mơ ước của mình. Trong số những tác phẩm được ấn hành ở Pháp, võ sư - nhà thơ Đặng Văn Sung viết riêng một tập thơ có tên gọi “Trên lưng Trâu” để kể về quê hương Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Trảng Bàng - Tây Ninh, quê nội của ông. Tập thơ không chỉ giúp người Pháp hiểu thêm về đất nước Việt Nam yên bình và tươi đẹp mà còn là tấm lòng của một người con xa xứ hướng về đất nước.

Theo VOV