RCEP sẽ tạo ra nhiều động lực tăng trưởng trong ASEAN. (Nguồn: ASEAN Post) |
3 động lực tăng trưởng
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2019 mở đường cho các nền kinh tế ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế với năm đối tác đối thoại của mình, cụ thể là Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Sự hội nhập kinh tế của ASEAN vào các đối tác đối thoại là một cột mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục đích hội nhập ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu.
Những thay đổi nhỏ trong chính sách thương mại khi thực hiện RCEP có thể sẽ có tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại trong ASEAN. Có ba động lực chính trong RCEP có thể dẫn đến sự tăng trưởng thương mại hàng hóa trong ASEAN, bao gồm tính bao quát toàn diện của RCEP, quy mô thị trường rộng lớn và mối liên kết kinh tế mạnh mẽ thông qua thương mại và đầu tư.
Thứ nhất, RCEP bao gồm các chính sách thương mại và phi thương mại toàn diện, do vậy, có thể tăng cường tự do hóa hơn nữa thương mại và đầu tư trong ASEAN. RCEP bao gồm 20 chương, nới rộng hơn mong muốn của ASEAN là vượt ra ngoài giới hạn của các vấn đề thương mại và bao gồm cả các vấn đề phi thương mại. Các quy tắc về xuất xứ, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ vốn đã được đưa vào Kế hoạch chi tiết AEC 2025, nhưng RCEP có nhiều khả năng sẽ mở rộng hơn nữa các vấn đề theo các hướng đi sẵn có trong AEC. Trên thực tế, các nước ASEAN đang thực hiện Hướng dẫn về các biện pháp phi thuế quan để loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, nhưng vẫn chưa đạt được tiến bộ rõ rệt.
Các cam kết được thực hiện theo RCEP sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong ASEAN bằng cách giảm các chi phí không cần thiết do các hạn chế thương mại, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng thuế quan ưu đãi theo quy tắc chung nguồn gốc, và kích thích sự đổi mới với sự bảo vệ mạnh mẽ hơn của quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, RCEP mang đến cơ hội là một thị trường khổng lồ trị giá 24,8 nghìn tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người. Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của RCEP (trên cơ sở ngang giá sức mua) lớn hơn so với các khối thương mại khác như Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ở châu Á, GDP kết hợp của RCEP gấp khoảng 5 lần so với các thành viên của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), và khoảng 3 lần so với các nước châu Á khác, bao gồm cả Ấn Độ.
Thứ ba, ASEAN và các đối tác đối thoại có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ thông qua thương mại và đầu tư. Năm 2018, tổng thương mại hàng hóa của ASEAN ở mức 2,8 nghìn tỷ USD, 34% trong số đó là thương mại song phương giữa ASEAN và 5 đối tác đối thoại kể trên và 23% được tính bằng thương mại nội khối ASEAN. Hơn nữa, tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN được ghi nhận ở mức 152,8 tỷ USD vào năm 2018 - 25% trong số đó có nguồn gốc từ các đối tác đối thoại và 15% là từ các nước nội khối. Có thể thấy, các giá trị thương mại và đầu tư trong RCEP có thể chiếm 57% tổng thương mại và 40% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN.
Quy mô thị trường lớn của RCEP cùng với mối liên kết đầu tư và thương mại mạnh mẽ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại cho thấy rằng bất kỳ sự giảm thiểu nào trong các rào cản thương mại có thể sẽ làm tăng đáng kể lợi nhuận trong hoạt động thương mại. Những lợi ích này sẽ góp phần tạo ra việc làm, tăng GDP và giảm nghèo ở các nền kinh tế kém phát triển hơn trong ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar.
Khi RCEP “ra đời”, cánh cửa sẽ vẫn mở cho Ấn Độ tham gia vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. (Nguồn: Asean.org) |
“Sâu” hơn những gì đang có
Để hiện thực hóa lợi ích kinh tế từ RCEP, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng các điều khoản thương mại trong RCEP sâu hơn so với các hiệp định thương mại tự do ASEAN hiện tại, cụ thể là các AFTA và các FTA ASEAN+1 như FTA ASEAN-Australia, FTA ASEAN-New Zealand, Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản, Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Trung Quốc và Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Hàn Quốc.
Mặc dù toàn văn RCEP vẫn chưa được công bố, nhưng có ba lý do để tin rằng RCEP cần phải sâu hơn các FTA ASEAN hiện có. Thứ nhất, RCEP sẽ nổi lên như một thỏa thuận toàn khu vực nhằm củng cố các FTA ASEAN và làm giảm tác động tiêu cực của các quy tắc xuất xứ phức tạp đối với dòng chảy thương mại. Thứ hai, ngưỡng giảm thuế quan trong RCEP nên được đặt tương đương với một FTA khu vực khác như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm loại bỏ thuế 99% thuế quan. Thứ ba, RCEP cũng sẽ là một FTA và việc cắt giảm thuế, các hàng rào phi thuế và các rào cản thương mại dịch vụ giữa các quốc gia RCEP sẽ đầy đủ và tổng quát hơn so với AFTA và các FTA ASEAN+1 hiện có. RCEP cũng sẽ áp dụng miễn trừ với một số lĩnh vực nhạy cảm trong tự do hóa thương mại và đầu tư.
Trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, 13 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng và 2 Hội nghị cấp cao, RCEP dự kiến được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) tại Thái Lan ngày 4/11/2019. Tuy nhiên, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 diễn ra, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định do một số lợi ích cốt lõi của Ấn Độ chưa được giải quyết. Ký kết RCEP là ưu tiên cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoại khối trong năm 2020.
Do vậy, nếu không thuyết phục, đối thoại được với Ấn Độ tham gia lại RCEP, rất có thể, RCEP sẽ được ký kết trong năm nay mà không có Ấn Độ. Liệu rằng sau khi ký kết, Ấn Độ thay đổi quyết định thì vẫn có thể tham gia RCEP?
Khi RCEP “ra đời”, cánh cửa sẽ vẫn mở cho Ấn Độ tham gia vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Về lý thuyết, RCEP sẽ có lợi cho tất cả các bên. RCEP sẽ bao gồm khoảng 50% dân số thế giới và 39% GDP toàn cầu. Những con số này đều giảm xuống 30% khi Ấn Độ từ chối RCEP.
Hiện tại, quyết định rút lui khỏi RCEP của Ấn Độ là do áp lực lớn ở trong nước khi người dân và doanh nghiệp lo lắng về việc hàng hoá Trung Quốc cũng như hàng hoá từ các quốc gia ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ khi Hiệp định có hiệu lực, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống mưu sinh của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp địa phương. Khi RCEP có hiệu lực, theo những cam kết của mình, Ấn Độ sẽ loại bỏ thuế quan của 90% mặt hàng trong quan hệ thương mại với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Con số này đối với Trung Quốc, Australia và New Zealand là 74% số mặt hàng.