📞

“Vòi bạch tuộc” đã vươn đến toàn cầu

17:35 | 29/12/2008
Buôn bán ma túy, vũ khí, hàng giả và kể cả buôn người đã và đang mang lại nguồn lợi nhuận phi pháp khổng lồ hàng ngàn tỷ USD. Trong thời hội nhập, các loại tội phạm này càng có cơ để phát triển.

Tại một quán ăn ở Thủ đô Vienna của Áo, gần tòa nhà Liên hợp quốc, có 2 thanh niên thường lui tới. Họ trông không ra dáng là các điệp viên. Với cách ăn mặc sang trọng, thoáng qua ai cũng cho rằng họ là những doanh nhân thành đạt. Thực ra họ là nhân viên của văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội hình sự (UNODC).

 

Một người trong họ không giấu giếm tung tích của mình: “Chúng tôi không săn lùng tội phạm mà chỉ theo dõi những mặt trái của toàn cầu hóa”. Mặc dù vậy, đây đâu phải là công việc vui vẻ gì. Nào là ma túy, buôn người, buôn lậu vũ khí, đồ giả, hàng nhái công nghiệp và nhiều thứ tồi tệ khác phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa. “Trách nhiệm của chúng tôi là tập hợp số liệu để cung cấp cho các cơ quan an ninh quốc gia, các cơ quan thuế vụ, hải quan, các cơ quan tình báo để cùng phân tích, đánh giá nhằm phối hợp trong cuộc chiến chống lại tội phạm quốc tế”. Người thứ 2 trong họ đã bổ sung như vậy.

 

Hai thanh niên nói trên và đồng nghiệp của họ tại Văn phòng Vienna chẳng bao giờ lo thất nghiệp. Chỉ riêng việc buôn bán ma túy cũng đã là một thị trường khổng lồ. Theo số liệu thống kê, có tới 200 triệu “khách hàng” sử dụng mặt hàng chết người này. Mỗi năm mua đi bán lại bỏ rẻ cũng đến 390 tỷ USD. Tức là doanh thu lớn gấp 16 lần thị trường thuốc lá, 65 lần thị trường cà-phê. Con bạch tuộc toàn cầu này mỗi ngày lại vươn vòi ra xa, lớn lên và thâm nhập không chỉ ở lãnh địa kinh tế, mà còn chui vào chính trường. Các hoạt động hình sự này đã chiếm khoảng 3% GDP toàn thế giới, nghĩa là bằng nửa GDP của Đức.          

 

Nguồn cung: Từ nước nghèo

 

Ở mức độ toàn cầu, việc buôn bán thường lặp đi lặp lại theo một vòng khép kín. Nguồn cung phần lớn từ người nghèo, dưới dạng nguyên liệu thô, còn nguồn cầu phần lớn là những kẻ đầu nậu giàu có.

 

Một nghiên cứu của Viện Friedrich Ebert cho biết: nếu như trước kia có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhóm tội phạm, thì nay chúng đã hợp tác làm ăn, thậm chí còn xuyên biên giới. Nhiều nhóm tội phạm đã phát minh ra các phương thức vận chuyển mới, tổ chức hệ thống phân phối tinh vi, kể cả các biện pháp rửa tiền. Những tên cầm đầu buôn bán ma túy của Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với các nhà tài phiệt người Nga hoặc với bọn buôn người Albania, Bulgaria hoặc Romania. Còn nhóm tội phạm của Ukraina thì đổi vũ khí để lấy cocain tại Nam Mỹ. Việc tự do hóa thương mại và thị trường tài chính đã tiếp tay cho bọn tội phạm này. Các loại tội phạm có tổ chức còn hoạt động theo đơn đặt hàng.

 

Tham nhũng: Kẻ tiếp tay cho tội phạm

 

Bản nghiên cứu của Interpol cho biết: cứ mỗi năm có tới 4 triệu người vượt biên trái phép, phần lớn xuất phát từ các nước nghèo, phụ nữ thường làm gái điếm, đàn ông thì làm nô lệ.

 

Tháng 5 năm ngoái tại Nga đã phát hiện ra một tổ chức chuyên buôn người từ Trung Á và Trung Quốc đưa sang Tây Âu. Hệ thống này hoạt động dưới hình thức các công ty trá hình tại Nga và ký với công dân Nga các hợp đồng làm việc tại Tây Âu. Trên cơ sở các hợp đồng đó nhiều người được cấp hộ chiếu thật, xin thị thực Schengen tại các nước cần đến và được phép vào các nước EU khác. Sau đó, họ chỉ việc sửa hộ chiếu một chút, thay ảnh và thế là những người cần nhập cư có thể đi lại tự do.

 

Các cơ quan an ninh của Nga đã tìm ra bằng chứng: nhóm buôn người chuyên nghiệp không chỉ quan hệ với bọn làm giấy tờ giả, mà còn móc nối với hải quan, nơi cấp hộ chiếu và thậm chí cả với quan chức một số cơ quan đại diện. “Tham nhũng chính là kẻ đồng hành trung thành của bọn tội phạm có tổ chức”. Cả 2 nhân viên trẻ của UNODC đều xác nhận như vậy. Cái khó đối với những người đấu tranh chống tội phạm có tổ chức là chúng thu phục được đồng minh trong cơ quan nhà nước. Số tiền chi trả cho tham nhũng không hề nhỏ.

 

Trong số các loại tội phạm, kẻ hốt bạc nhiều nhất vẫn là bọn buôn bán ma túy. Một lượng tiền lớn được chúng sử dụng buôn bán dầu lửa hoặc vũ khí. Ví dụ, một nông dân Columbia thu được khoảng 450 Euro/1kg cocain nguyên liệu. Bọn môi giới ở Mỹ Latinh bán lại với giá 500 Euro. Khi sang đến Tây Âu, tùy theo độ tinh khiết, bọn bán buôn đã có mức giá từ 25 đến 40.000 Euro/kg. Khách hàng cuối cùng tại Tây Âu phải trả 60 Euro/gram, tức là 60.000 Euro/1kg.

 

Bọn buôn người cũng kiếm chác được nhiều tiền không kém, ước tính 30 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó là nạn buôn bán hàng nhái nhãn mác hàng hiệu.

 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính, doanh thu hàng năm thương mại quốc tế các loại hàng này đạt khoảng 200 tỷ USD. Còn tính cả buôn bán tại thị trường nội địa thì doanh thu hàng năm không dưới 600 tỷ USD.

 

Theo OECD, 60% lượng hàng nhái này có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo lãnh đạo hãng ôtô Daimler, 1/3 phụ tùng xe của họ đã bị làm nhái tại Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Còn theo Phòng Công nghiệp Đức, việc sản xuất hàng nhái đã tước đi 70.000 việc làm của nước này. Kinh khủng hơn nữa là việc nhái mẫu mã thực phẩm và dược phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe con người không khác gì ma túy.

 

“Bọn tội phạm đi trước chúng tôi. Họ tìm đường đi, còn chúng tôi theo dõi họ. Bản thân chúng tôi, cảnh sát hoặc công an mật cũng không thể ngăn chặn được bọn này. Thế nhưng chúng tôi phải hạn chế chúng càng nhiều càng tốt. Công sức chúng tôi bỏ ra không hề lãng phí”. Hai nhân viên trẻ của UNODC đều nhất trí như vậy.

 

Xuân Cúc (Theo tài liệu nước ngoài)