Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, điểm bất đồng này là do SME không có báo cáo tài chính, không có kế hoạch tài chính, không có tài sản đảm bảo, trong khi NHTM lại căn cứ vào những yếu tố đó để quyết định cho SME vay vốn hay không.
Cải thiện chỉ số minh bạch
Theo Tổng cục Thống kê, trong số gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, có đến hơn 98% là các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ. Với số lượng đông đảo, khu vực doanh nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Tổng quy mô vốn của các SME chiếm khoảng 40,9% tổng nguồn vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của toàn khu vực doanh nghiệp. Hàng năm, các SME cũng tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước.
Giữ vai trò to lớn như vậy trong nền kinh tế quốc gia, nhưng SME đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù Việt Nam xếp thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng hiện vẫn có đến 60% SME chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ là quan hệ bên cho vay và bên đi vay, ngân hàng cần là tổ chức tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận tín dụng đối với SME còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các SME chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, số liệu báo cáo tài chính thường thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, các SME còn thiếu các tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản có giá trị thấp...
Cũng tại diễn đàn trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để 60% SME không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà - Nhà nước, nhà băng & các thiết chế tài chính và bản thân nhà doanh nghiệp. Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thật sự khơi nguồn cho đầu tư. Các nhà băng và thiết chế tài chính hiện còn thờ ơ. Còn về phía doanh nghiệp, điểm yếu lớn nhất là kém minh bạch trong quản trị khiến các tổ chức tín dụng không thể có niềm tin vào doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam thuộc top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, cần nâng cao năng lực quản trị gắn liền với đó là việc minh bạch hóa, coi đây là chuẩn mực quan trọng đầu tiên để SME có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính trong quá trình phát triển.
Thấu hiểu “ngôn ngữ” của nhau
Như vậy, theo TS. Vũ Đình Ánh nói một cách hình ảnh, vấn đề then chốt hiện nay là bất đồng “ngôn ngữ” giữa hai bên. Vì vậy, ông Ánh gợi ý, khi không đồng “ngôn ngữ” giữa NHTM và doanh nghiệp thì cách thứ nhất là đi tìm người thông ngôn - đóng vai trò là “phiên dịch viên” giữa hai bên, chính là các chuyên gia tư vấn, tổ chức bảo lãnh, các quỹ đầu tư. Cách thứ hai, một trong hai bên phải học ngôn ngữ của bên kia. TS. Ánh khuyến nghị SME cần cố gắng học ngôn ngữ tài chính ngân hàng để thay đổi tư duy quản trị tài chính của bản thân doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc lại nhấn vai trò của ngân hàng. Ông cho rằng đầu tư phải chấp nhận rủi ro, ngân hàng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, thúc đẩy tài chính vi mô không dựa vào tài sản thế chấp, áp dụng thông tin giảm thiểu thủ tục, có hình thức cho vay kiểu “may đo” chứ không phải “may sẵn” như những gói tín dụng hiện nay.
Để tăng thêm giải pháp cung ứng tài chính cho doanh nghiệp, cần phát triển thị trường tín dụng dành cho SME như đưa ra các gói tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến chế biến và xuất khẩu cho các nhóm doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, để mở rộng nguồn vốn, các SME có thể tăng cường liên kết, hình thành quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho doanh nghiệp, tạo kênh huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, cho chính mình trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, NHNN cũng cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính để tạo điều kiện tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp.
Ở những giai đoạn đầu, ngân hàng và các tổ chức tín dụng rất khó có thể hỗ trợ doanh nghiệp, bởi bản chất của khởi nghiệp là rủi ro, thiếu minh bạch, thiếu thông tin. Vào giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần sự tham gia hỗ trợ của các quỹ, các nhà đầu tư, các quỹ mạo hiểm “thiên thần”.
Xin mượn lời vị Chủ tịch VCCI với bề dày nhiều năm “lăn lộn” cùng doanh nghiệp, để thay lời kết: “Ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ là quan hệ bên cho vay và bên đi vay, ngân hàng cần là tổ chức tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nếu có sự cộng sinh giữa hai bên sẽ tạo nên tương tác, khai thông nguồn vốn, tạo động lực phát triển, giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp”.