Vài phút trước khi đồng hồ điểm 6 giờ ngày 28/8, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay ngang qua bầu trời Nhật Bản. J-Alert - Hệ thống cảnh báo thảm họa của Nhật Bản - đã ngay lập tức được kích hoạt để cảnh báo cho người dân qua tin nhắn về vật thể “không mời mà đến” này. May mắn thay, những lo ngại của Tokyo đã không trở thành sự thực: 14 phút sau khi bay được 2.700 km ở độ cao 550 km, tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách Mũi Erimo ở Hokkaido 1,180 km.
Bản đồ vụ phóng tên lửa ngày 28/8 vừa qua của Triều Tiên. |
Như thường lệ, cộng đồng quốc tế nhanh chóng có những phản ứng mạnh mẽ, chỉ trích Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “tất cả mọi phương án” liên quan đến Triều Tiên đều đang được xem xét. Về phần mình, phía Hàn Quốc đã tiến hành tập trận phá hủy các tên lửa của Bình Nhưỡng. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshide Suga khẳng định vụ phóng thử tên lửa vừa rồi không đe dọa đến lãnh thổ quốc gia này. Tuy nhiên, Tokyo và Washington sẽ đề cập biện pháp trừng phạt mới với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un, mà cụ thể là cấm vận nhập khẩu dầu.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại tỏ ra khá hờ hững với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết: “Trung Quốc phản đối và cho rằng hành động phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Tuy nhiên, thứ mà nhiều người quan tâm lại là việc bà Hoa Xuân Doanh cho rằng chính các hoạt động tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra “vòng xoáy luẩn quẩn”, gây mất ổn định trong khu vực.
Theo các chuyên gia, qua vụ phóng tên lửa này, Triều Tiên vẫn nắm thế chủ động trong cuộc chơi với Mỹ và các nước khu vực. Qua bước đi vừa rồi, Bình Nhưỡng tiếp tục nâng cao vị thế trên bàn cờ chính trị ở Đông Á, đồng thời chứng tỏ công nghệ tên lửa ngày càng phát triển của mình. Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt của Washington và các quốc gia đồng minh đang tỏ ra rời rạc và thiếu hiệu quả. Trung Quốc, nước duy nhất có thể “nói chuyện” với Triều Tiên, lại không sẵn sàng mạnh tay với quốc gia láng giềng khi mối quan hệ song phương vẫn đem lại nhiều lợi ích.
Quan trọng hơn, theo Yukari Easton - nhà nghiên cứu chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Nam California, cho rằng động thái phóng tên lửa bay ngang qua Nhật Bản là bước đi có tính toán của Chủ tịch Kim Jong-un. Bất kì động thái quân sự nào của Triều Tiên nhắm vào đảo Guam cũng sẽ là cái cớ để Washington triển khai lực lượng san bằng Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Nhật Bản, tuy có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, khó có thể gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un.
Trong bối cảnh hiện nay, việc Bình Nhưỡng liên tục có những nước cờ đẩy Mỹ và những nước đồng minh trong khu vực vào thế bí. Do đó, theo giới quan sát, nếu không có những động thái mang tính đột phá đến từ Washington, đặc biệt là từ Bắc Kinh, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nói chung và khu vực Đông Bắc Á nói riêng sẽ tiếp tục rơi vào thế bế tắc trong thời gian tới.