📞

Vụ chính trị gia đối lập Navalny: Hạ viện Mỹ muốn chính quyền can thiệp, Đức để ngỏ trừng phạt Nga, G7 lần đầu lên tiếng

Thế Việt 07:46 | 09/09/2020
TGVN. Ngày 8/9, các lãnh đạo của đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump điều tra về "vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny" và nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt có thể cần phải được tính đến.
Hạ viện Mỹ muốn chính quyền điều tra 'vụ đầu độc chính trị gia đối lập Navalny'. (Nguồn: AP)

Trong một bức thư gửi Tổng thống Trump, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Eliot Engel và nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa tại ủy ban này là Michael McCaul nêu rõ: “Nếu Chính phủ Nga một lần nữa bị xác định sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào một trong số những công dân của nước này, các biện pháp trừng phạt cần phải được áp đặt”.

Cùng ngày, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã mạnh mẽ lên án "vụ đầu độc đã được xác nhận" nhân vật đối lập tại Nga Alexei Navalny.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi, các ngoại trưởng G7, gồm các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí lên án mạnh mẽ vụ đầu độc đã được xác nhận ông Alexei Navalny".

Trong khi đó, cũng trong ngày 8/9, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth cho biết, Berlin sẽ vẫn để ngỏ mọi lựa chọn về các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt đối với Moscow liên quan đến vụ việc nói trên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, ông Roth nhấn mạnh, Berlin sẽ xem xét toàn bộ các công cụ và khả năng liên quan đến vụ việc. Ông cho biết, mặc dù đã có bằng chứng rõ ràng về việc nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny, 44 tuổi bị đầu độc, song hiện chỉ Nga mới có thể và phải có trách nhiệm đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với những câu hỏi xoay quanh vụ việc này.

Bộ trưởng Roth cũng nhận định, vụ đầu độc ông Navalny có sự phân nhánh quốc tế, là sự vi phạm nghiêm trọng hiệp ước cấm vũ khí hóa học và mang tính chất quốc tế hơn là song phương.

Mọi phản ứng sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán, sự phối hợp chặt chẽ của châu Âu và Berlin sẽ không thể dung thứ cho hành động sát hại một người đã lên tiếng chỉ trích chế độ, Chính phủ và Tổng thống Nga, ông Roth khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức cũng hy vọng khả năng tránh được các biện pháp trừng phạt nếu Nga cho thấy động thái sẵn sàng hợp tác trong việc điều tra thỏa đáng vụ việc.

(theo Reuters, AFP)