Phát biểu trên truyền hình Anh ngày 3/4, ông Gary Aitkenhead, Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm công nghệ và khoa học quốc phòng (DSTL) tại Porton Down, khẳng định quân đội Anh không thể chứng minh chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga được sản xuất tại Nga.
Ông cho biết các chuyên gia vũ khí hóa học "không xác định được nguồn gốc cụ thể" của chất độc trong vụ việc trên, mà chỉ nhận định chất này "có thể chỉ nằm trong khả năng sản xuất của một thực thể nhà nước".
Giám đốc Aitkenhead cũng cho biết trách nhiệm của DSTL là cung cấp các kết quả phân tích và nhận định ban đầu trên cơ sở bằng chứng cho các cơ quan chức năng. Việc kết hợp những thông tin này với các nguồn tin tình báo khác để đưa ra những cáo buộc như vừa qua nhằm vào Nga là trách nhiệm của Chính phủ Anh.
Ông Gary Aitkenhead, Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm công nghệ và khoa học quốc phòng (DSTL) tại Porton Down, Anh. (Nguồn: Gov.uk) |
Tuy nhiên, ông Aitkenhead cũng nhấn mạnh DSTL đã xác định được việc chất độc được sử dụng trong vụ việc tại Salisbury thuộc nhóm chất độc thần kinh loại vũ khí quân sự thường được biết đến với tên gọi "Novichok".
DSTL cũng đang hỗ trợ những thông tin cần thiết cho các chuyên gia y tế đang điều trị cho hai cha con cựu điệp viên Skripal để giảm bớt tác dụng của thuốc độc.
Những nhận định này của người đứng đầu phòng thí nghiệm quốc phòng Anh được đưa ra trong bối cảnh các quan chức của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra nhằm xác định loại chất độc được tìm thấy tại Salisbury.
Chính phủ Anh của Thủ tướng Theresa May được cho là đã dựa vào các thông tin tin tình báo của mình để buộc tội Nga có liên quan đến vụ việc tại Salisbury và cùng với đó là quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga ngay sau khi xảy ra vụ tấn công.
Đến thời điểm này căng thẳng giữa hai nước đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Nga với phương Tây.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, bị Cơ quan An ninh LB Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên.
Ông Skripal hợp tác với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.
Cảnh sát Anh cho rằng nhiều khả năng ông Skripal và con gái bị đầu độc ngay trước cửa nhà riêng của họ ở thành phố Salisbury, sau khi một lượng lớn chất độc thần kinh được phát hiện ở cửa trước ngôi nhà.
Dự kiến trong ngày 4/4, OPCW sẽ nhóm họp để thảo luận các cáo buộc của Anh rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này. Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của phía Nga, nhằm mục đích "chấm dứt những vấn đề đang tranh cãi".
Chính quyền Nga cũng đã nhiều lần khẳng định không liên quan đến vụ đầu độc, đồng thời cho rằng đây là âm mưu của phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.