Những người tuần hành giơ cao cuốn Kinh Qur'an trước Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad, Iraq ngày 30/6. (Nguồn: AP) |
Ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Thụy Điển tuyên bố: “Chính phủ Thụy Điển hoàn toàn hiểu rằng các hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại các cuộc biểu tình ở Thụy Điển có thể gây khó chịu cho người Hồi giáo. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này, vốn không phản ánh quan điểm của chính phủ Thụy Điển.” Stockholm cũng lưu ý rằng hiến pháp nước này bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Truyền thông Saudi Arabia cho biết trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao nước này đã triệu đại sứ Thụy Điển tại đây để phản đối. Chính quyền Riyadh hối thúc Stockholm “chấm dứt mọi hành động mâu thuẫn trực tiếp với các nỗ lực quốc tế đang cố gắng truyền bá các giá trị của lòng khoan dung, ôn hòa và bác bỏ chủ nghĩa cực đoan, đồng thời làm suy yếu sự tôn trọng lẫn nhau cần thiết đối với quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia”.
Ngày 28/6, Salwan Momika (37 tuổi), một người nhập cư Iraq, đã dẫm lên kinh Qur’an và công khai đốt cuốn sách thánh bên cạnh Nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm, đúng vào dịp lễ Eid al-Adha quan trọng của những người theo tín ngưỡng này.
Vụ việc đã gây ra phản ứng dữ dội tại thế giới Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Iraq, Pakistan, Kuwait và Iran đã chỉ trích vụ việc. Amman và Rabbat đã triệu quan chức ngoại giao của Stockholm để phản đối, Tehran đã tạm hoãn bổ nhiệm Đại sứ tại đây. Iraq thậm chí đã xem xét tìm cách dẫn độ ông Momika về nước để xét xử.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad cũng bị các tín đồ của giáo sĩ Hồi giáo Mustafa al-Sadr xâm nhập trong 15 phút để phản đối. Sau khi lực lượng an ninh xuất hiện, những người này sau đó đã rời đi một cách hòa bình.
Trong khi đó, theo Reuters, sự kiện trên sẽ khiến quan hệ giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ thêm phức tạp và làm cho tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của đất nước Bắc Âu thêm khó khăn.