Bất ổn và đảo lộn là hai từ ngắn gọn có thể diễn tả về thị trường năng lượng toàn cầu trong ba năm qua. Gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021, sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine từ năm 2022 đến nay.
Nga và Mỹ đang nằm trong số 5 nguồn nhập khẩu dầu hàng đầu của Ấn Độ. Có thể nói, sự cân bằng tinh tế của New Delhi trong mối quan hệ chính trị với cả Mỹ và Nga đã đi kèm với chính sách ngoại giao dầu mỏ. Theo đó, nền kinh tế này đã khéo léo trong việc điều hướng cả hai giai đoạn gián đoạn trên, bằng cách sử dụng chính sách ngoại giao kinh tế, tận dụng ưu thế thuận lợi trong địa chính trị dầu mỏ.
'Vũ khí' dầu mỏ - cờ tới tay Ấn Độ, thời tới cản cũng khó? (Nguồn: iStock) |
Vị thế của một nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn
Địa chính trị về bản chất được liên kết với địa kinh tế và không tồn tại riêng rẽ. Trung Quốc được coi là “bậc thầy” trong sự chuyển hướng nhanh chóng – chuyển ảnh hưởng địa kinh tế ngày càng tăng này sang địa chính trị.
Hiện 3/4 thế giới có khối lượng giao dịch thương mại với Trung Quốc lớn hơn so với với Mỹ.
Tương tự như vậy, nếu Ấn Độ muốn chiếm vị trí trong địa chính trị toàn cầu thì trước tiên phải tích lũy ảnh hưởng địa kinh tế. Nhưng Ấn Độ không thể đi theo con đường của Trung Quốc bằng cách trở thành công xưởng của thế giới, cũng như không thể sánh ngang với nước láng giềng châu Á về xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2022, thương mại hàng năm của Ấn Độ lần đầu tiên vượt quá 1.000 tỷ USD - tròn 18 năm sau khi Trung Quốc vượt qua mốc này. Nền kinh tế Ấn Độ nghiêng nhiều hơn về phía dịch vụ và quốc gia này vẫn là một quốc gia nhỏ trong thương mại hàng hóa toàn cầu.
Năm 2021, Ấn Độ đứng thứ 18 trong danh sách nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, vị trí yếu kém hơn nhiều so với các quốc gia nhỏ hơn như Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Năm 2021, Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn thứ 10 thế giới. Với mức thâm hụt thương mại 269 tỷ USD, nhập khẩu của Ấn Độ cao hơn khoảng 60% so với xuất khẩu của nước này năm 2022. Mức thâm hụt này thường được miêu tả dưới góc độ tiêu cực - mức thâm hụt lớn có nghĩa là Ấn Độ phải chi nhiều ngoại tệ hơn để nhập khẩu hàng hóa và phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế vào các quốc gia khác.
Tuy nhiên, một phần cụ thể trong giỏ hàng nhập khẩu của Ấn Độ có thể không chỉ sử dụng vì lợi ích kinh tế của đất nước, mà nó có thể được sử dụng như một công cụ địa chính trị, đó là năng lượng.
Dầu mỏ vẫn là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu trong 5 năm qua. Ấn Độ là nước nhập khẩu năng lượng lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, có công suất lọc dầu 5 triệu thùng/ngày, bằng công suất của Anh, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cộng lại.
Xét về địa chính trị, Ấn Độ có thể sử dụng vị thế là một nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn để tạo lợi thế.
Thời gian qua, Ấn Độ tận dụng chính sách ngoại giao kinh tế để tạo vị thế thuận lợi trong địa chính trị dầu mỏ. Sự cân bằng tinh tế của New Delhi trong mối quan hệ chính trị với Mỹ và Nga, được đưa ra mổ xẻ trên các phương tiện truyền thông, nhưng động thái kinh tế của Ấn Độ trong chính trị dầu mỏ toàn cầu đến nay vẫn bị hầu hết các nhà phân tích bỏ qua.
Điều này thể hiện rõ nhất ở hai điểm dữ liệu riêng: Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Nga (kể từ tháng 3/2022) và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ (năm 2021).
Ấn Độ xoay sở như thế nào để trở thành bạn hàng tốt và thị trường quan trọng hàng đầu đối với cả Mỹ và Nga?
Bạn hàng quan trọng của Nga
Bất chấp việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, dầu bắt đầu chảy với khối lượng lớn từ Nga sang Ấn Độ.
Đây là một bước phát triển mới, bởi từ năm 2010 đến năm 2020, Nga chỉ cung cấp 0,5% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Trong một thế giới mà bất kỳ mối liên hệ nào với Moscow đều bị chỉ trích, Mỹ và phương Tây thường nhanh chóng lên án Ấn Độ.
Tuy nhiên, thay vào đó, họ làm điều ngược lại và công khai chấp thuận việc Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2023, Đại sứ Đức tại Ấn Độ Philipp Ackermann lưu ý rằng: “Ấn Độ mua dầu từ Nga không phải là việc của chúng tôi”, đồng thời nói thêm rằng, mối quan hệ của Đức với Ấn Độ là một trong những “mối quan hệ quan trọng nhất”.
Trong khi đó, quan điểm của New Delhi rất rõ ràng, dầu mỏ là mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt ở Ấn Độ và nước này sẽ tiếp tục mua dầu từ các nhà xuất khẩu cung cấp điều khoản và giá cả tốt nhất.
Xét cho cùng, Ấn Độ trả tiền mua dầu tại trạm bơm cao hơn 20% so với người Mỹ, những người có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 30 lần. Dầu thô Nga chảy sang Ấn Độ được chiết khấu lớn và giúp giảm thiểu thâm hụt ngân sách của Ấn Độ.
Việc Ấn Độ nhập khẩu dầu thô từ Nga được thúc đẩy bởi kinh tế chứ không phải chính trị. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và mức giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt nhằm hạn chế việc mua dầu của Nga trên toàn cầu dưới một mức giá giới hạn nhất định, lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ tăng đáng kể trong năm 2022 và 2023, mang lại lợi ích cho ngân khố quốc gia.
Năm 2022, Ấn Độ trả trung bình 91 USD/thùng dầu từ Nga, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 97,5 USD/thùng đối với tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Bất chấp chi phí vận chuyển bổ sung khi đưa dầu thô của Nga đến bờ biển Ấn Độ, chi phí nhập khẩu dầu từ Nga thậm chí còn thấp hơn những gì nhà nhập khẩu Ấn Độ trả vào năm 2022 để mua dầu từ Saudi Arabia ở mức 103 USD/thùng và từ UAE ở mức 105 USD/thùng.
Ấn Độ đã tận dụng thành công tình huống này để tạo lợi thế bằng cách tiếp tục lôi kéo phương Tây và Nhóm “Bộ tứ” về các vấn đề chiến lược. Điều này, đồng thời làm tăng lượng mua dầu từ Nga, quốc gia đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây đến mức khiến nước này có biệt danh là “quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới”.
Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ trong sáu tháng liên tiếp từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023. Các công ty dầu mỏ của Ấn Độ phải vượt qua vô số trở ngại để làm ăn với Nga. Các công ty bảo hiểm của Nga dần thay thế các công ty bảo hiểm phương Tây trong lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ. Do hạn chế tài chính đối với các giao dịch với các công ty Nga bằng đồng USD, giao dịch hiện cũng diễn ra bằng Rupee, Ruble và Dirham.
Cuối cùng, giảm giá mạnh từ Nga bù đắp rủi ro kinh doanh. Ngày nay, Ấn Độ là điểm đến xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc. Nhờ những hoạt động xuất khẩu này, thương mại Ấn Độ-Nga đạt mức cao nhất mọi thời đại là 39 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn ba lần so với thương mại song phương là 11,5 tỷ USD vào năm 2021.
Khách hàng mua dầu lớn nhất của Mỹ
Tương tự, Ấn Độ cũng ngày càng nổi tiếng với tư cách là một thị trường dầu thô của Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện thương mại năng lượng của Ấn Độ với Mỹ có tầm quan trọng gần như ngang nhau. Mỹ là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và nước này được cho là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ hiện nay.
Mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ được đặc trưng bởi chiều sâu và sự đa dạng và không ngừng phát triển. Giống như hầu hết các mối quan hệ song phương, dựa trên nền tảng kinh tế là thương mại và đầu tư.
Kể từ năm 2021, dầu và khí đốt đã trở thành thành phần lớn nhất trong thương mại Ấn Độ-Mỹ, điều này bao gồm nhập khẩu dầu mỏ thô, thành phẩm dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ, cũng như xuất khẩu dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ. Làm thế nào mà xăng dầu trở thành thành phần lớn nhất trong thương mại Ấn Độ-Mỹ?
Câu chuyện khá phức tạp, để bù đắp cho sự thiếu hụt lớn này, các công ty dầu mỏ của Ấn Độ đã chuyển sang sử dụng dầu thô của Mỹ, nơi cung cấp hỗn hợp dầu nặng (tương tự như dầu của Venezuela và Mexico) cũng như các loại dầu nhẹ hơn (tương tự như dầu thô của Iran).
Xét cho cùng, các nhà cung cấp dầu thô của Mỹ cũng được cho là đáng tin cậy. Do đó, Mỹ từ vị trí nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 10 cho Ấn Độ năm 2018 lên vị trí thứ 5 vào năm 2022. Ngoài dầu thô, Ấn Độ còn nhập khẩu khí đốt, cụ thể là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), từ Mỹ; lượng nhập khẩu này lên tới 2,1 tỷ USD năm 2021 và 1,8 tỷ USD năm 2022. Mỹ hiện là nguồn nhập khẩu LNG lớn thứ 5 của Ấn Độ.
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm vào tháng 12/2015- cho đến lúc đó, tất cả sản lượng dầu của Mỹ chỉ được dành cho mục đích sử dụng trong nước. Sau khi bắt đầu xuất khẩu, hầu hết dầu thô xuất khẩu của Mỹ được dành cho Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ngay sau đó, do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc áp thuế đối với dầu thô và LNG của Mỹ năm 2019. Mỹ trả đũa bằng cách áp đặt lệnh cấm đầu tư vào các doanh nghiệp năng lượng của Trung Quốc như Sinochem và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc.
Không ngoài dự đoán, các nhà cung cấp dầu của Mỹ hướng sự chú ý đến nhà nhập khẩu dầu lớn nhất tiếp theo trên thế giới- Ấn Độ. Năm 2021, khoảng 14% lượng dầu thô xuất khẩu của Mỹ với tổng trị giá 9,5 tỷ USD được dành cho Ấn Độ, khiến nước này trở thành thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Mỹ.
Năm 2022, các nhà cung cấp của Mỹ chuyển sự chú ý sang châu Âu, nơi đang muốn từ bỏ dầu của Nga. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Ấn Độ tăng năm 2022 lên 10,1 tỷ USD. Chừng nào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn căng thẳng, Ấn Độ có thể sẽ được hưởng lợi với tư cách là một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Mỹ.
Một yếu tố khác của thương mại năng lượng Ấn Độ-Mỹ là việc Mỹ nhập khẩu xăng dầu tinh chế từ Ấn Độ, bao gồm cả xăng. Ấn Độ là nhà cung cấp xăng dầu tinh chế lớn thứ 5 cho Mỹ năm 2021, với tổng trị giá 3,2 tỷ USD; con số này đã tăng lên 3,7 tỷ USD năm 2022.