📞
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen:

‘Vũ khí nông nghiệp’ Nga phát tác, kế hoạch B của Ukraine tắc ngay từ lối ra châu Âu

Minh Anh 09:32 | 09/08/2023
Việc Điện Kremlin tuyên bố rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen (ngày 17/7) được giới quan sát bình luận là một bất ngờ sau 3 lần chấp nhận gia hạn, khiến phương Tây và Kiev đau đầu tìm một "kế hoạch B" để giải phóng kho lương thực của Ukraine đang vào vụ thu hoạch.
‘Vũ khí nông nghiệp’ Nga phát tác, kế hoạch B của Ukraine tắc ngay từ lối ra châu Âu. (Nguồn: Safety4sea)

Đừng chỉ hứa hẹn, hãy hành động

Bất chấp những lời kêu gọi từ các bên, Nga thẳng thừng từ chối gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Moscow cáo buộc phương Tây không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.

Tổng thống Putin và giới chức Nga nhiều lần nêu rõ, triển vọng của Thỏa thuận phụ thuộc vào việc phương Tây hành động thế nào, chứ không phải là những lời nói suông.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh lương thực (ngày 4/8), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi tới Nga một thông điệp rằng, “Mỹ sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo Nga có thể tự do xuất khẩu lương thực, thực phẩm tự do và an toàn trong trường hợp Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được khôi phục".

Tuy nhiên, đáp lời Mỹ, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, “Moscow không còn tin lời hứa của Washington".

“Người Mỹ không cần cung cấp an ninh bởi an ninh đã được đảm bảo như một phần của thỏa thuận ngũ cốc. Nếu phía Mỹ muốn đóng góp cho thỏa thuận, họ hãy giúp thực hiện phần thỏa thuận ngũ cốc cho Nga. Đừng chỉ hứa hẹn rằng họ sẽ suy nghĩ về điều đó, mà hãy thực hiện nó. Ngay sau khi cam kết được thực hiện, Thỏa thuận ngũ cốc sẽ lập tức được gia hạn”, ông Dmitry Peskov nói.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo, kênh thanh toán trực tiếp được thiết lập giữa Rosselkhozbank (Nga) và JPMorgan (Mỹ) - một giải pháp thay thế cho SWIFT, cũng là một trong những yêu cầu của Nga để tiếp tục Thỏa thuận ngũ cốc đã bị đóng cửa vào ngày 2/8.

Trong khi đó, đáp lại các chỉ trích rằng Nga đã “vũ khí hóa nông nghiệp”, bóp nghẹt đường xuất khẩu nông sản chính của Ukraine ra thị trường thế giới và gây đau khổ cho hàng triệu người dân nghèo ở châu Phi, cùng với việc công bố rời Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời cam kết sẽ thay Kiev đảm bảo nguồn cung lương thực cho các nước nghèo ở lục địa này.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở St. Petersburg (27-28/7), ông Putin chính thức công bố Moscow sẵn sàng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ miễn phí.

“Kế hoạch B” đang thế nào?

Phát biểu tại một cuộc họp Nội các, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo, nông dân nước này đã có được một vụ mùa bội thu trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp Ukraine là tình trạng thiếu lao động và không có thị trường xuất khẩu.

Ông Denys Shmyhal cho rằng, lượng lương thực của nước này đủ cho cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Và Kiev sẽ tiếp tục là một trong những người bảo đảm chính cho an ninh lương thực toàn cầu.

Vì vậy, trong vấn đề này, quốc gia Đông Âu trông cậy vào sự giúp đỡ từ các đối tác - cần nhiều hệ thống phòng không hơn và cần lập thêm các tuyến hậu cần trên bộ bền vững với thông lượng cao.

Theo đó, Ukraine vẫn đang tích cực tìm kiếm những phương thức mới để vận chuyển ngũ cốc sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và mở các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng ở phía Nam.

Tuy nhiên, trong khi chưa có một “kế hoạch B” nào hiệu quả hơn thì con đường chính qua thị trường châu Âu đang dần khép cửa”. Ông Serhii Leonets, CEO của Galeks-Agro, cho biết, tuyến đường lưu thông hàng hóa đã ngừng hoàn toàn.

“Thị trường đã hoàn toàn ngừng hoạt động… Chúng tôi đã gửi yêu cầu tới tất cả các đối tác mà chúng tôi đã hợp tác trước cuộc xung đột với Nga (có khoảng 20 đối tác ở châu Âu). Tất cả họ đều từ chối sản phẩm của chúng tôi, bởi họ không cần chúng. Công việc kinh doanh của chúng tôi hiện đang ở trong tình trạng khá bế tắc”, CEO Serhii Leonets tiết lộ.

Trước đây, công ty này xuất khẩu 40% sản phẩm ngũ cốc và chế biến phần còn lại cho thị trường Ukraine. Hiện tại, họ chỉ có một hợp đồng với Italy. Nếu thị trường tiêu thụ không hoạt động, nông dân sẽ ở trong vòng luẩn quẩn, vì sản phẩm không bán được thì cũng chẳng cần phải gieo hạt. Điều này sẽ dẫn đến việc thiếu tiền trả lương, mua nhiên liệu và bảo trì máy móc.

Ukraine cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế để thoát ra khỏi Biển Đen. Cảng biển gần Ukraine nhất là Constanța của nước láng giềng Romania, đang nổi lên như một sự thay thế khả thi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, trước hết, công suất của cảng này còn hạn chế. Theo ông Cezar Gheorghe, chuyên gia của Công ty tư vấn thị trường ngũ cốc Romania AGRIColumn, cảng Constanța có thể xử lý tối đa 25 triệu tấn ngũ cốc và hạt dầu mỗi năm. Thậm chí, điều này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện hậu cần và thời tiết hoàn hảo.

Chuyên gia Gheorghe nhận định, nếu Ukraine chuyển hướng xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen qua Constanța, họ sẽ phải tìm cách tăng gấp đôi khả năng xử lý để đáp ứng số lượng.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp Romania cũng sẽ cản trở kế hoạch này. Romania là một trong 5 quốc gia châu Âu cấm nhập khẩu một số thực phẩm của Ukraine sau khi tình trạng dư thừa ngũ cốc tích tụ dọc theo các tuyến đường xuất khẩu đường bộ do Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập vào năm ngoái. Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine đã khiến nông dân các nước này bị thiệt hại nặng nề, gây ra tình trạng biểu tình ở nhiều nơi.

Trước đó, từ hồi tháng 5, trước nhiều vấn đề còn tranh cãi, nhu cầu về các tuyến xuất khẩu mới cho ngũ cốc Ukraine cũng đã được đặt ra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy một “kế hoạch B” khả thi.

EC cũng đã đạt được thỏa thuận với Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia về xuất khẩu qua lãnh thổ của họ, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ và EU nhận ra rằng, phải tìm ra những cách thức mới. Bởi trên thực tế, EC đã phải đàm phán khá khó khăn với 5 quốc gia được gọi là bình phong để đảm bảo rằng, ngũ cốc có thể được xuất khẩu từ Ukraine thông qua tuyến đường châu Âu.

Chẳng hạn, ở Ba Lan, hàng xuất khẩu của Ukraine đã gây ra nhiều vấn đề trên thị trường địa phương. Có thể nói đây chỉ là một tác dụng phụ, nhưng rất nhiều loại ngũ cốc giá rẻ đang được tung ra thị trường ở nhiều quốc gia châu Âu. Điều này khiến sinh kế của nông dân địa phương gặp rủi ro vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ hơn từ Ukraine.

Cuối cùng, chính phủ các quốc gia muốn tẩy chay ngũ cốc Ukraine đã đồng ý cấp thêm 100 triệu Euro cho nông dân của họ, nhưng còn phải đảm bảo rằng, sẽ không có thêm hạt ngũ cốc nào “rơi khỏi xe” trên đường vận chuyển. Nói cách khác, hàng Ukraine sẽ phải được đưa đến tận cảng để từ đó xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tạm thời tán thành và kỳ vọng rằng, “bằng cách này, Ukraine có thể xuất khẩu, họ có thể tiếp tục cung cấp lương thực cho thế giới và thu nhập của nông dân nước này không bị đe dọa”.

(theo Ukrinform, AFP)