📞

'Vũ khí thương mại' của ông Trump có thể đánh ‘knock out’ nền kinh tế Anh

Minh Anh 09:35 | 22/11/2024
Tờ The Times nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump đặt ra những thách thức đáng kể đối với Vương quốc Anh và mối quan hệ đặc biệt trên nhiều lĩnh vực - trong đó kinh tế, quốc phòng và các mối quan hệ chính trị là những lĩnh vực quan trọng nhất.
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể đặt ra thách thức đáng kể cho Thủ tướng Keir Starmer và nền kinh tế Anh. (Nguồn: The Times)

Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể xóa sổ gần 1% quy mô nền kinh tế Anh nếu ông ấy "hạ bút" chính thức áp thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, như kế hoạch đã vạch ra trước cuộc bầu cử.

Các nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) cảnh báo, kế hoạch áp thuế quan 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống đắc cử, nếu không có sự trả đũa, có thể làm giảm GDP của Anh xuống 0,9% vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Con số này tương đương với khoản thiệt hại khoảng 20 tỷ Bảng Anh, dựa trên số liệu năm 2023 về quy mô nền kinh tế Anh.

Trong khi đó, ước tính từ Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR) cho thấy, mức thuế 10% có thể cắt giảm tăng trưởng kinh tế của Anh xuống 0,7 điểm phần trăm.

Báo cáo của CEBR đánh giá, cách rõ ràng nhất để tránh đòn giáng từ Mỹ là đồng ý một thỏa thuận thương mại tự do song phương, nhưng thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua để đảm bảo cho một thỏa thuận như vậy trở thành hiện thực.

"Thật không may, điểm bế tắc chính để các bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh vẫn là những vấn đề liên quan tiêu chuẩn thực phẩm và thuế quan - có thể được sử dụng để gây sức ép buộc Vương quốc Anh chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về thuế”, theo CEBR.

Do đó, ngày càng có nhiều lo ngại về tác động từ kế hoạch thuế quan của ông Trump đối với nền kinh tế Vương quốc Anh và tác động của nó đối với lạm phát.

Trong những tuần gần đây, thị trường tài chính cũng đã hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Vương quốc Anh sau chiến thắng của ông Trump và các biện pháp ngân sách gần đây – đều được coi là có tác động gây lạm phát.

Tờ Politico nhận định, sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump vào tháng 1/2025 đang khiến các doanh nghiệp bên kia bờ Đại Tây Dương lo ngại. Marco Forgione, Giám đốc Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế Hoàng gia Anh, cho biết: “Ông Trump đã nói rất rõ rằng, nước Mỹ phải được đặt lên hàng đầu. Ông ấy muốn thúc đẩy đầu tư vào Mỹ và đưa càng nhiều hoạt động sản xuất trở lại càng tốt".

Điều này cho thấy rằng, các nhà sản xuất của Vương quốc Anh không thể tự mãn với mối quan hệ tốt đẹp mà ông Trump từng thể hiện.

Chính sách của ông Trump dù không nhắm trực tiếp vào các nhà xuất khẩu Anh, nhưng trong số các "vũ khí thương mại" mà ông Trump có thể sử dụng, mức thuế cố định từ 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ là một trong những mối đe dọa lớn nhất.

Các nhà kinh tế cũng cảnh báo, do Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Vương quốc Anh, tác động đến nền kinh tế Anh sẽ rất nghiêm trọng.

Harrison Griffiths, Giám đốc Chương trình quốc tế tại Viện Kinh tế, cho biết, viễn cảnh về thuế nhập khẩu sẽ “gây hồi chuông cảnh báo” cho các doanh nghiệp Anh. Trong năm tính đến tháng 8/2024, Vương quốc Anh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 58,3 tỷ Bảng Anh (75 tỷ USD) sang Mỹ. Các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ và dược phẩm sẽ là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy nhiên, báo cáo của CEBR chỉ ra rằng, có thể tìm được "cơ hội" cho kinh tế Anh từ các kế hoạch chính sách của ông Trump. Các nhà phân tích kêu gọi London có thể "củng cố vị thế của mình như một quốc gia dẫn đầu về công nghệ xanh, bằng cách tận dụng sự thay đổi toàn cầu hướng tới đầu tư năng lượng sạch và khả năng ưu tiên thấp hơn cho lĩnh vực này trong chính quyền Tổng thống Trump".

Nhà kinh tế học Sara Pineros cho biết, kinh tế Anh đang đối mặt với một giai đoạn quan trọng để hành động theo nghị sự thúc đẩy tăng trưởng và định vị là một điểm đến cạnh tranh cho đầu tư. Trong khi thuế quan của Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đặt ra những thách thức, thì một số đề xuất khác dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Có thể mang đến cơ hội để Vương quốc Anh thích nghi và phát triển.

"Nếu không củng cố cách tiếp cận của mình, Vương quốc Anh có nguy cơ phải chịu mọi đau đớn liên quan đến nhiệm kỳ tổng thống của Trump mà không nhận ra được lợi ích tiềm năng", nhà kinh tế học Pineros cho biết.

Ngoài ra, cho biết về phản ứng của chính phủ Anh, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đã hạ thấp nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sắp xảy ra. Bà khẳng định, Anh vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ và sẽ tiếp tục ủng hộ thương mại tự do. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng London sẽ không ngồi yên nếu Washington áp đặt thuế quan.

“Chúng tôi sẽ không chỉ là một diễn viên thụ động trong việc này. Chúng tôi sẽ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tầm quan trọng của thương mại tự do", Bộ trưởng Rachel Reeves cho biết.