Công nhân thành phố St Petersburg xóa một bức tranh tường vẽ ông Navalny. (Nguồn: AP) |
Trong tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên EU, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng, đây là một quyết định vô căn cứ.
Ông nói: "Phán quyết của Tòa án Moscow coi các tổ chức của ông Alexei Navalny như ‘các nhóm cực đoan’ là động thái nghiêm trọng nhất từ trước tới nay của chính phủ Nga nhằm trấn áp các nhân vật đối lập chính trị độc lập".
Trước đó, hôm 9/6, Tòa án Thành phố Moscow đã ra phán quyết liệt các tổ chức chính trị do nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny cầm đầu vào danh sách các tổ chức cực đoan.
Với phán quyết vừa được đưa ra, các tổ chức này sẽ bị cấm hoạt động ngay lập tức và đội ngũ nhân viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhân vật đối lập Navalny đã ngay lập tức tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối, trong khi Quỹ chống tham nhũng (FBK) của ông này cũng khẳng định "sẽ tiếp tục chiến đấu chống tham nhũng".
Mỹ và Anh cũng đã lên án phán quyết của tòa án Nga, cho rằng đây là hành động bất công và là biện pháp cực đoan.