📞

Vụ Nhà báo mất tích: Những hệ lụy nếu quốc tế gia tăng sức ép với Saudi Arabia

11:34 | 16/10/2018
Với việc Saudi Arabia phủ nhận vai trò trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi đột ngột mất tích và cam kết chống lại bất kỳ nỗ lực trừng phạt quốc tế nào, nguy cơ khủng hoảng đang leo thang và tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Tại thời điểm này, chỉ riêng những sự ngờ vực đã đẩy các kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng của Saudi Arabia về cải cách nền kinh tế và đánh bóng hình ảnh ra bên ngoài vào tình thế nguy hiểm. Không chỉ vậy, hình ảnh của "nhà cải cách" vốn được Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) dày công vun đắp cũng lâm nguy.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul ngày 15/10. (Nguồn: THX)

Chuyên gia an ninh quốc gia Jonathan Schanzer, Phó Chủ tịch Qũy Bảo vệ Những nền dân chủ (FDD), nhận định: "Hiện giờ, sự việc này đang làm xói mòn tất cả thiện chí và lòng tin mà Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman xây dựng". Tuy nhiên, chuyên gia này kêu gọi thận trọng do thiếu bằng chứng cụ thể chống lại Saudi Arabia và tỏ ý nghi ngờ về thông tin tình báo từ Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ tới Riyadh.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, việc có gắng cô lập Vương quốc Arab này về mặt quốc tế sẽ không dễ dàng và có thể dẫn tới những hậu quả cho tất cả mọi người. Về lý thuyết, sự leo thang căng thẳng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn, làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Đông và phá hỏng những nỗ lực quốc tế nhằm kiếm chế Iran, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang đẩy mạng việc loại Iran khỏi thị trường dầu mỏ và dựa vào nhà sản xuất dầu mỏ Saudi Arabia.

Ông Schanzer cho biết chính sách thực dụng có thể sẽ ngăn chặn phương Tây, nhất là Mỹ, hành động quá hung hăng nhằm vào Saudi Arabia hoặc đẩy Riyadh vào vòng tay của những nhân tố chống lại lợi ích của Mỹ, như Nga. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Cả Mỹ và Saudi Arabia đều rất cần nhau. Các bạn có thể thấy sự phụ thuộc lẫn nhau và điều này không dễ bị gạt sang một bên", nên sẽ khó cô lập Riyadh.

Trong khi đó, chuyên gia John Kilduff thuộc Again Capital nhận định: "Tôi nghĩ khủng hoảng có thể leo thang rất nhanh và dầu mỏ là vũ khí hiển nhiên để Saudi Arabia sử dụng nếu có hành động trả đũa chống lại Riyadh. Nếu bị trừng phạt về mặt kinh tế Saudi Arabia sẽ đảm bảo rằng, tất cả những nhân tố khác cũng sẽ phải chịu tổn thương". Mặc dù giá dầu vẫn chưa bị tác động trong cuộc khủng hoảng này, nhưng thị trường chứng khoán của Saudi Arabia đã giảm mạnh ngày 14/10. Ông  Kilduff cảnh báo thế giới có thể chứng kiến "một giai đoạn bất ổn chưa từng có tại Saudi Arabia".

Ông Matt Smith, Giám đốc Nghiên cứu Sản phẩm tại ClipperDate, nhận định: "Mặc dù chúng ta chứng kiến thị trường chứng khoán Saudi Arabia phản ứng rất tiêu cực, song phí bảo hiểm rủi ro cho giá dầu mỏ dường như không được đảm bảo trong thời điểm này". Trong khi chuyên gia Schanzer cảnh báo, nếu không có phản ứng thì "một tiền lệ nguy hiểm có thể xuất hiện", vì sự mất tích của nhà báo Kashoggi có thể khiến các nước khác có hành động tương tự với những người bất đồng chính kiến.

(theo CNBC)