📞

Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng

PGS. TS. Trần Thành Nam 11:25 | 17/12/2020
TGVN. Từ vụ nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang, dưới góc độ tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam, Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về cách thức ứng xử của giáo viên với học sinh, đặc biệt trong giai đoạn các em ngày càng nhạy cảm với sự tôn trọng.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nhìn từ vụ nữ sinh lớp 10 tự tử, giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng. (Ảnh: NVCC)

Bêu tên dưới cờ sẽ nảy sinh màu sắc “thù địch”

Sau sự việc thầy cô “bêu” tên nữ sinh trước cờ và bắt em phải nhận những hình thức kỷ luật vô lý, khiến nữ sinh cảm thấy mất mặt và xấu hổ trước bạn bè, cảm thấy bị xúc phạm, không có giá trị, dẫn đến hành vi cực đoan. Hành động tự tử của em được xem là sự phản kháng mạnh mẽ, thể hiện mình không thể chấp nhận được những hành động của thầy cô.

Trong vụ việc này, thầy cô đã mắc sai lầm và thiếu nhạy cảm về kỹ năng sư phạm, khiến cho học sinh diễn giải hành vi của thầy cô theo một hướng khác mang màu sắc "thù địch". Người đứng đầu cơ sở giáo dục cần chịu trách nhiệm khi làm sai nguyên tắc.

Đây là sự việc rất đáng tiếc, cách nhà trường phạt học sinh đang đi ngược lại với giáo dục tích cực, khiến trẻ cảm thấy bản thân bị giảm giá trị.

Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm lý học sinh rất nhạy cảm với những tác động xung quanh, nhạy cảm với sự tự trọng, tôn trọng. Thực tế, một số em dễ bị ảnh hưởng bởi những cái nhìn, thái độ tiêu cực của mọi người xung quanh. Trong bất cứ tình huống nào, các em cũng cần biết có nhiều cách giải quyết và cách kết thúc cuộc sống của mình không bao giờ là đúng.

Do vậy, cách ứng xử của người lớn cần phải hết sức cẩn trọng. Kể cả khi muốn đưa ra một lời nhắc nhở nào đó để các em thay đổi hành vi cũng cần nói sao cho trẻ hiểu đúng. Cụ thể, nếu cô giáo nhắc về trang phục để nữ sinh biết cô đang muốn bảo vệ em khỏi nguy cơ bị trêu ghẹo, chắc chắn học sinh sẽ không bất mãn.

Có thể nói, vụ việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh về cách thức ứng xử của giáo viên với học sinh, đặc biệt trong giai đoạn các em ngày càng nhạy cảm với sự tôn trọng. Việc bêu tên học sinh trước trường là hình thức kỷ luật làm các em cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, dẫn đến nhiều nguy cơ.

Giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng

Từ sự việc này, tôi cho rằng, giáo viên cần tự kiểm điểm về cách ứng xử với học sinh. Đồng thời tự tạo cho mình những kỹ năng như quản lý cảm xúc, nhận diện dấu hiệu của một số học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý có nguy cơ dẫn đến những hành động mang tính bộc phát, tiêu cực. Bản thân các thầy cô cũng cần phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, quán triệt triết lý kỷ luật tích cực, không giáo dục học sinh dựa trên sự nhục nhã, sợ hãi.

Có thể nói, đẩy đứa trẻ đến tình huống này cũng có một phần trách nhiệm của gia đình. Nếu gia đình không tin tưởng con, đồng ý với cách hành xử của thầy cô, trẻ sẽ cảm thấy cả thế giới, bao gồm người thân quay lưng với mình. Những trẻ sẵn có vấn đề tâm lý hoặc thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc dễ dẫn đến hành động trả đũa, khiến người khác hối hận vì đã làm tổn thương mình.

Do vậy, cha mẹ nên "làm bạn" với con, ở cạnh con, để con chia sẻ hết những ấm ức, để con thấy vẫn luôn có người đứng về phía mình, sẵn sàng trao đổi với nhà trường, bênh vực con nếu có những vấn đề bất cập.

Chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói cách khác là làm gương, lấy cái đẹp để loại bỏ cái xấu. Khi người lớn chú ý đến điểm mạnh, hành vi tốt, trẻ cũng sẽ chú ý vào đó. Hành vi tốt tăng lên đồng nghĩa hành vi xấu giảm đi, đó là cách thức bền vững nhất để giảm hành vi xấu.

Giáo dục hiện đại hướng tới kỷ luật tích cực. Do vậy, cúng ta phải sử dụng những biện pháp sư phạm để giúp học sinh nhận ra được hành động sai, khi sai thì các em phải có thái độ hối lỗi.

Là công dân của thế kỷ 21, các em học sinh cũng cần trau dồi và nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng quản lý sức khỏe và tinh thần, trong đó có quản lý cảm xúc tốt. (Nguồn: giaoduc)

Trong mỗi tình huống, giáo viên phải giúp học sinh cảm nhận được mình làm, hành động như vậy vì bản thân học sinh chứ không phải vì thành tích. Đồng thời, giáo viên đã được đào tạo sẽ biết những giai đoạn nào rất nhạy cảm của học trò, những dấu hiệu các em đang có vấn đề về tâm lý, về sức khỏe tinh thần, là đối tượng yếu thế… Ví dụ, những giai đoạn rất nhạy cảm đối với các em như gặp vấn đề về sức khỏe, gặp vấn đề với bạn bè, gia đình đang bị khủng hoảng về kinh tế…

Giáo viên nhận diện những dấu hiệu đó để cân nhắc, điều chỉnh hành vi ứng xử cũng như lời nói của mình với học sinh cũng là một yêu cầu quan trọng để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Thầy cô cần có chính kiến, đứng về lẽ phải và làm đúng giá trị đạo đức của nhà giáo. Đặc biệt, sau sự việc đáng tiếc này, người thầy cần thấu hiểu, nắm bắt tâm lý học sinh để tạo nên mối quan hệ khăng khít, tôn trọng giữa thầy và trò. Hơn hết, giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng. Tuổi vị thành niên các em bị tổn thương thì vết hằn đó sẽ theo các em suốt cuộc đời và đây là điều rất nguy hại.

Cũng phải nói thêm rằng, là công dân của thế kỷ 21, các em học sinh cần trau dồi và nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng quản lý sức khỏe và tinh thần, trong đó có quản lý cảm xúc tốt. Từ đó giúp các em tránh được những hành vi cực đoan, có thể điều chỉnh được cảm xúc của mình.

(ghi)