Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/4 về vụ rò rỉ tài liệu mật. (Nguồn: Reuters) |
Bộ trưởng Austin là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ bình luận về vụ việc. Phát biểu tại họp báo, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố, cơ quan này đã phát hiện các tài liệu được đăng vào ngày 28/2 và ngày 1/3, nhưng không chắc liệu có tài liệu nào khác đã lan truyền trên mạng trước đó hay không.
Trước đó, ngày 10/4, Trợ lý của Bộ trưởng Austin là ông Chris Meagher nhận định, vụ rò rỉ các tài liệu nhạy cảm của Mỹ gây ra nguy cơ "rất nghiêm trọng" đối với an ninh quốc gia, đồng thời đánh giá, các tài liệu đang lưu hành trên mạng này có khả năng dẫn tới việc "lan truyền thông tin sai lệch".
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ William Burns gọi vụ rò rỉ này là "vô cùng đáng tiếc", cho thấy mức độ cấp thiết của việc thắt chặt các bước bảo mật thông tin.
Các cơ quan an ninh quốc gia và Bộ Tư pháp Mỹ đang đẩy mạnh điều tra vụ rò rỉ, đồng thời đánh giá thiệt hại đối với an ninh quốc gia và quan hệ với các đồng minh, cũng như các nước đối tác khác, trong đó có Ukraine.
Theo giới chức Mỹ, các cơ quan an ninh đang rà soát lại phương thức chia sẻ những thông tin nhạy cảm trong chính phủ, đồng thời ứng phó với những tác động ngoại giao do các tài liệu nhạy cảm không rõ nguồn gốc bị phát tán.
Cũng trong ngày 11/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Austin đã có cuộc trao đổi với những người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và Oleksiy Reznikov nhằm trấn an các đồng minh về vụ rò rỉ.
Phát biểu tại buổi họp báo, theo ông Blinken, Washington đã duy trì liên lạc cấp cao với các nước đối tác và đồng minh trong những ngày qua, trong đó tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh thông tin tình báo.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố, các nội dung được cho là tài liệu mật của Mỹ, hiện đang được lan truyền rộng rãi, có "mức độ sai lệch nghiêm trọng" và cảnh báo người đọc cần thận trọng khi tiếp nhận các thông tin tưởng như giá trị này.
Australia, một đồng minh ở châu Đại Dương cũng đã lên tiếng về vụ việc. Tư lệnh Lực lượng quốc phòng nước này Angus Campbell mô tả, khả năng rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ là một sự cố “nghiêm trọng” và nói rằng, Washington đang làm việc với các đối tác để tìm hiểu hậu quả.
Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy, ông Campbell cho biết: "Vấn đề duy trì an ninh thông tin là rất quan trọng đối với sự phát triển năng lực quốc gia cũng như niềm tin và sự tin tưởng giữa các đồng minh và đối tác".
Về phía Hàn Quốc - đồng minh ở Đông Bắc Á của Mỹ - Phó Cố vấn An ninh quốc gia Kim Tae-hyo cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, trong đó hai bên nhất trí rằng, phần lớn thông tin chứa trong các tài liệu bị rò rỉ trên mạng là "giả mạo".
Từ tuần trước, thông tin về các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng xã hội đã làm bùng nổ truyền thông, với những đề cập được cho là lỗ hổng quân sự của Ukraine, về các đồng minh của Mỹ như Israel, Hàn Quốc hay về Trung Quốc và Trung Đông.
Đây có thể là vụ tiết lộ thông tin gây thiệt hại nặng nề nhất cho chính phủ Mỹ kể từ vụ công bố hàng ngàn tài liệu trên WikiLeaks năm 2013.
Reuters đã xem xét hơn 50 tài liệu, được đóng dấu "Mật" và "Tối mật", nhưng vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập tính xác thực của các tài liệu trong vụ rò rỉ.