📞

Vụ rò rỉ tài liệu mật: Ukraine ‘tính kế’ tấn công cơ sở quân sự Nga ở Syria, Trung Quốc sản xuất vũ khí mạng công nghệ cao vì điều gì?

Hạnh Lê 16:32 | 21/04/2023
Ngày 20/4, tờ Washington Post (Mỹ) tiết lộ thêm thông tin từ tài liệu bí mật bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có kế hoạch của Ukraine nhằm tấn công cơ sở quân sự của Nga ở Syria vào mùa Đông năm ngoái.
Đoàn xe quân sự tuần tra Nga trên tuyến đường gần một mỏ dầu ở Syria vào tháng 10/2022. (Nguồn: AFP)

Tài liệu bị rò rỉ cho biết, Kiev lên kế hoạch tấn công lực lượng Nga ở Syria và “các sĩ quan tình báo quân đội Ukraine có xu hướng tấn công lực lượng Nga bằng máy bay không người lái”.

Đặc biệt, các cuộc tấn công này nhắm đến nhiều mục tiêu, có thể là các cơ sở quân sự của Nga, hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ liên quan đến Moscow.

Theo nguồn tin trên, nhờ sự giúp đỡ từ các lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn-Lực lượng dân chủ Syria (SDF), cơ quan tình báo quân sự Ukraine đã tham gia lên kế hoạch cho chiến dịch này và đây là thông tin tuyệt mật không được để lộ ra.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu hoãn lại các cuộc tấn công này.

Ngoài ra, theo tài liệu bị lộ, Thổ Nhĩ Kỳ đã biết về kế hoạch trên và “tìm cách tránh một cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra” cũng như gợi ý Ukraine triển khai các cuộc tấn công từ lãnh thổ của người Kurd.

Trả lời câu hỏi về thông tin này, đại diện của SDF khẳng định nội dung nêu trong tài liệu bị rò rỉ là “không có thật”, vì lực lượng người Kurd chưa bao giờ tham gia cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, tờ Financial Times (Anh) ngày 20/4 khai thác thông tin tài liệu bị rò rỉ về việc chế tạo vũ khí mạng công nghệ cao của Trung Quốc nhằm “giành quyền kiểm soát” và ngăn chặn các vệ tinh của “đối thủ” truyền dữ liệu và giám sát.

Cụ thể, tài liệu trên nêu rõ, Trung Quốc đang chế tạo loại vũ khí này để khiến vệ tinh đối thủ “trở nên vô dụng trong việc truyền dữ liệu hoặc giám sát” khi xảy ra xung đột.

Theo tình báo Mỹ, đây là một khâu quan trọng trong mục tiêu của Bắc Kinh về kiểm soát thông tin.

Bên cạnh đó, tài liệu bị rò rỉ còn cho rằng, các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc có thể nhằm mục đích bắt chước các tín hiệu mà “vệ tinh của đối thủ” nhận được từ những người điều hành chúng, từ đó có thể kiểm soát hoàn toàn hoặc làm các vệ tinh này hư hỏng vào những thời điểm quan trọng.

Vì vậy, với năng lực không gian mạng này, Trung Quốc có thể “giành quyền kiểm soát vệ tinh, vô hiệu hóa chúng trong việc hỗ trợ các hệ thống thông tin liên lạc, vũ khí, giám sát và tình báo”.

Tuy nhiên, tờ Financial Times lưu ý rằng, Mỹ chưa bao giờ tiết lộ liệu họ có khả năng như vậy hay không.

Hiện Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, CIA, Lầu năm góc và chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

(theo Financial Times/Washington Post)