Khói bốc lên từ một địa điểm ở biên giới phía Nam Lebanon, trong một cuộc pháo kích của Israel. (Nguồn: AFP) |
Hãng tin Reuters cho biết, ngày 28/7, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, nội các an ninh trao thẩm quyền cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant quyết định về quy mô và thời điểm nước này đáp trả cuộc tấn công bằng rocket vào Cao nguyên Golan trước đó một ngày.
Israel và Mỹ cáo buộc Hezbollah là thủ phạm gây ra vụ việc, trong khi phong trào ở Lebanon này bác bỏ cáo buộc, đồng thời phủ nhận bất cứ trách nhiệm nào liên quan vụ tấn công.
Cùng ngày, bình luận về vụ tấn công, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer phát biểu với đài CGS News cho rằng, Israel có quyền tự vệ trước Hezbollah.
Nguy cơ chiến tranh khu vực
Ai Cập đã cảnh báo về nguy cơ mở ra một mặt trận xung đột mới ở Lebanon sau vụ tấn công hôm 27/7 nhằm vào sân bóng đá ở ngôi làng Majdal Shams, thuộc Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, "diễn biến mới nhất nói trên có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện", đồng thời kêu gọi hỗ trợ và bảo vệ Lebanon, người dân và các thể chế của nước này khỏi "tai họa".
Bộ trên cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc từ tình trạng leo thang xung đột, điều mà Ai Cập cảnh báo có thể đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu.
Ngoài ra, Ai Cập nhắc lại cảnh báo về các mối nguy hiểm ở Gaza, đồng thời kêu gọi các bên đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện ngay lập tức để chấm dứt thảm họa nhân đạo ở nơi này càng sớm càng tốt cũng như khôi phục an ninh và ổn định trong khu vực.
Giữa lúc tình hình khu vực căng thẳng, cũng trong ngày 28/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công khai đe dọa sẽ tấn công Israel để ủng hộ người Palestine, khiến Tel Aviv phản pháo.
Tuy nhiên, Reuters, ngày 29/7, dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Israel cho biết, nước này muốn tấn công Hezbollah nhưng không muốn kéo khu vực vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Các nguồn tin cho hay, Israel đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra giao tranh trong vài ngày với Hezbollah.
Về phía Mỹ, Cổng thông tin Axios dẫn nguồn các quan chức nước này và Israel giấu tên đưa tin, Washington cảnh báo đồng minh thân thiết ở Trung Đông rằng, ý định tấn công các mục tiêu của Hezbollah ở thủ đô Beirut của Lebanon có thể dẫn đến tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát khi phong trào này trả đũa.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Axios rằng, Washington tin một cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu ở Beirut “là ranh giới đỏ tiềm tàng đối với Hezbollah”.
Trước nguy cơ chiếc "hộp Pandora" sắp mở, ngày 29/7, Mỹ, Na Uy và Irelan kêu gọi công dân rời khỏi Lebanon.
Vụ tấn công Cao nguyên Golan khiến 12 thanh thiếu niên tử vong có nguy cơ trở thành chìa khóa mở ra chiếc 'Hộp Pandora' nguy hiểm ở Trung Đông. (Nguồn: Getty Images) |
Quốc tế nỗ lực "dập lửa"
Trước tình hình trên, nhiều quốc gia đã ra lời kêu gọi các bên kiềm chế, cũng như hối thúc Israel ngừng bắn.
Ngày 29/7, hãng tin TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov tuyên bố: “Điều quan trọng là phải ngừng bắn ngay lập tức. Chúng tôi đang gửi tín hiệu tới giới lãnh đạo Israel".
Đánh giá rằng, Lebanon và các lực lượng khác trong khu vực không có ý định bắt đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Israel, Đại sứ Nga cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nói rõ: “Vòng luẩn quẩn này phải bị phá vỡ, nếu không sẽ có một thảm họa, lớn hơn nhiều so với những gì hiện đang xảy ra".
Tương tự, Thủ tướng Anh mới đắc cử Keir Starmer tuyên bố cần phải thực hiện các bước ngay lập tức hướng tới lệnh ngừng bắn, để các con tin được thả và nhiều viện trợ nhân đạo hơn đến được với những người đang tuyệt vọng, song cũng tái khẳng định "ủng hộ quyền tự vệ của Israel theo luật pháp quốc tế".
Trước đó, ngày 28/7, Liên minh châu Âu (EU) hối thúc tất cả các bên liên quan thận trọng và ngăn chặn gia tăng leo thang.
Trong bài đăng trên tài khoản mạng xã hội X ngày 28/7, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chỉ trích mạnh mẽ vụ bạo lực ở Cao nguyên Golan và nhấn mạnh sự cần có cuộc điều tra quốc tế độc lập.
Về phía Lebanon, Thủ tướng Najib Mikati kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở miền Nam nước này và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Liên hợp quốc để tránh tình hình leo thang.
Ông Mikati nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Lebanon là lên án mọi hình thức bạo lực chống lại dân thường, đồng thời khẳng định, lệnh ngừng bắn lâu dài trên mọi mặt trận là giải pháp khả thi duy nhất để ngăn ngừa thêm thương vong về người và tránh làm tình hình trên thực địa xấu đi.
Thủ tướng Mikati tiến hành một loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao-chính trị để theo dõi tình hình khẩn cấp hiện nay và các mối đe dọa liên tục của Israel đối với Lebanon.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib kêu gọi điều tra quốc tế hoặc một cuộc họp của ủy ban ba bên do Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc tại nước này (UNIFIL) tổ chức "để biết sự thật" về những người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.
Ủy ban ba bên này bao gồm các quan chức quân sự của Lebanon, Israel cùng với đại diện của UNIFIL.