Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric kêu gọi các bên ở khu vực Trung Đông 'kiềm chế tối đa' sau khi tàu Saviz của Iran bị tấn công ở Biển Đỏ.. (Nguồn: The Morning) |
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho rằng, dù sự việc trên vẫn chưa rõ ràng nhưng các bên liên quan vẫn cần phải "thể hiện sự kiềm chế tối đa và tránh thực hiện bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng".
Theo ông Dujarric, đây là lần thứ 4 chỉ trong vòng 1 tháng xảy ra sự việc như vậy trong khu vực.
Trước đó, ngày 6/4, truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin, con tàu này đã bị trúng thủy lôi. Iran cũng đã xác nhận tàu thương mại của nước này đã trở thành mục tiêu tấn công ở ngoài khơi bờ biển Djibouti vào sáng 6/4.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin tàu Saviz đã bị hư hỏng do trúng thủy lôi. Tàu này đã neo đậu tại Biển Đỏ trong vài năm qua nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại trong khu vực.
Kể từ đầu tháng 3 vừa qua, Iran và Israel đã cáo buộc lẫn nhau thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào tàu, thuyền của mỗi bên. Về vụ việc mới nhất trên, có những thông tin cho rằng có thể là do phía Israel thực hiện.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết, Israel đã thông báo cho Washington rằng, Israel tấn công tàu của Iran nhằm đáp trả hành động tương tự của Tehran trước đó. Hiện giới chức Israel chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin của New York Times.
Khi được phóng viên yêu cầu nhận định về thông tin này và rằng liệu Israel có vi phạm luật pháp quốc tế nếu Israel thực hiện vụ tấn công hay không, người phát ngôn LHQ cho hay, ông chưa xem những thông tin trên tuy nhiên, khẳng định, những vụ tấn công trong tháng qua nhằm vào "những con tàu mang cờ khác nhau, chủ sở hữu khác nhau", đồng thời nhấn mạnh, LHQ không muốn thấy bất kỳ sự leo thang hay ăn miếng trả miếng nào.
Theo ông Dujarric, "quyền tự do hàng hải là tối quan trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở ở Biển Đỏ và Vịnh Persian".
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh Ủy ban hỗn hợp Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran và các cường quốc trên thế giới năm 2015 - tổ chức một cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna của Áo nhằm cứu vãn thỏa thuận này sau khi Mỹ năm 2018 rút khỏi khuôn khổ này.
Cả chính quyền của Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước - để đạt được mục tiêu này.
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 6/4: Ukraine 'tâng' NATO và phản ứng của Nga; Mỹ loại bỏ máy bay giám sát Nga; Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản |