Chuyên gia khẳng định, các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên, trên hết, là một phần của chiến dịch dài hạn nhằm nâng cao năng lực tấn công quân sự. (Nguồn: KCNA) |
Ngày 25/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía ngoài khơi bờ biển phía Đông
Giáo sư các vấn đề quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul Leif-Eric Easley nhận định: “Bình Nhưỡng có thể phô trương sức mạnh trong khi tàu sân bay Mỹ đang thăm Hàn Quốc để tập trận quốc phòng.
Nhưng các cuộc thử nghiệm lớn của Triều Tiên, trên hết, là một phần của chiến dịch dài hạn nhằm nâng cao năng lực tấn công quân sự".
Thời gian gần đây, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân.
Kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã 6 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vụ thử hạt nhân gần gần nhất và mạnh nhất của Triều Tiên được tiến hành vào năm 2017 (Bình Nhưỡng tuyên bố là bom khinh khí) có đương lượng ước tính là 250 kiloton.
Giáo sư Easley bình luận: "Triều Tiên có thể sẽ trì hoãn vụ thử hạt nhân lần thứ 7 vì tôn trọng hội nghị chính trị sắp tới của Trung Quốc. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với sự tự kiềm chế của Bình Nhưỡng".
Ngoài ra, chuyên gia này dự báo: “Các cuộc tập trận phòng thủ sẽ không ngăn cản được các vụ thử tên lửa của Triều Tiên”.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên diễn ra trước thềm các cuộc tập trận quân sự chung theo kế hoạch của các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ có sự tham gia của một tàu sân bay, và trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới khu vực Đông Bắc Á.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada, nước này ước tính tên lửa trên đạt độ cao tối đa là 50 km và có thể đã bay theo quỹ đạo bất thường.
Ông Hamada cho biết, tên lửa này đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và hiện chưa có báo cáo nào về các vấn đề giao thông hàng hải hoặc hàng không.