Các đường ống của Dòng chảy phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài phát biểu ngày 11/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích chính phủ Canada về quyết định trả lại các tuabin khí cho Đức, gọi hành động này là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và cảnh báo rằng, Moscow sẽ coi đó là một dấu hiệu của sự yếu kém.
Ông Zelensky nhấn mạnh: "Nếu một nhà nước có thể thúc ép một ngoại lệ như vậy đối với các lệnh trừng phạt, thì ngày mai hoặc ngày kia, nhà nước đó sẽ còn muốn có những ngoại lệ nào?", đồng thời kêu gọi chính phủ Canada đảo ngược quyết định trên.
Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đại biện lâm thời Canada tại Kiev để "bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Chính phủ ở Ottawa".
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv cho biết, Kiev sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với chính phủ Canada trong những tuần tới.
Trước đó, ngày 9/7, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson thông báo, các tuabin khí sẽ quay trở lại Đức sau khi chính phủ Canada cho phép điều mà ông gọi là "miễn trừ có thời hạn và có thể thu hồi" đối với các lệnh trừng phạt hiện tại của Ottawa đối với Nga.
Năm 2009, Siemens Energy đã cung cấp tuabin khí cho một trạm nén khí thuộc Dòng chảy phương Bắc 1. Những tuabin này được sản xuất tại Canada và cần định kỳ gửi lại để bảo dưỡng.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Canada đã tung các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, trong đó, tuabin khí cũng nằm trong danh mục các sản phẩm và công nghệ bị hạn chế. Tuabin khí được gửi đi bảo dưỡng tại Canada cũng bị mắc kẹt do các lệnh trừng phạt này.
Viện dẫn lý do thiết bị trên chậm được gửi trả lại, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cắt giảm tới 60% công suất của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 chạy dưới biển Baltic tới Đức.
Bảo vệ quyết định của chính phủ Canada gửi trả lại tuabin khí, Bộ trưởng Wilkinson nhấn mạnh, điều này là cần thiết khi sinh kế của người Đức đang gặp rủi ro.
Theo quan chức Canada, xung đột Nga-Ukraine, với những hệ lụy là căng thẳng địa chính trị, đã cho thấy châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào trên mặt trận năng lượng.
Tuy nhiên, bất chấp việc Ukraine liên tục bày tỏ phản đối những ngày qua, ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, nước này ủng hộ quyết định trên của Canada.
Ông Price nêu rõ: "Trong ngắn hạn, tuabin sẽ cho phép Đức và các nước châu Âu khác bổ sung lượng dự trữ khí đốt, tăng cường an ninh và khả năng phục hồi về mặt năng lượng, cũng như đối phó với âm mưu của Nga nhằm vũ khí hóa năng lượng".
Quyết định trao trả tuabin cho Đức đảm bảo dòng chảy năng lượng sang châu Âu giữa lúc thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Canada về việc tra trả tuabin khí.
| Tin thế giới 11/7: Ukraine mở chiến dịch phản kích lớn; Quốc hội Nga họp bất thường; Lời khai mới của nghi phạm sát hại ông Abe Shinzo Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng Sri Lanka, kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản, xung quanh vụ ám sát cựu Thủ tướng ... |
| Nga nói về 'tình hình nguy cấp' của Ukraine, Kiev phát yêu cầu khẩn với phương Tây Nga cho hay, tổn thất của lữ đoàn dù số 25 thuộc Các lực lượng vũ trang Ukraine, hoạt động tại khu vực thành phố ... |