📞

Vụ xả súng tại New Zealand: Các hoạt động phản đối phân biệt chủng tộc, tưởng nhớ nạn nhân

18:16 | 24/03/2019
Ngày 24/3, hàng nghìn người đã tập trung tại nhiều thành phố của New Zealand tham gia các hoạt động phản đối phân biệt chủng tộc và tưởng nhớ 50 người Hồi giáo đã thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu vừa qua tại thành phố Christchurch.

Ước tính khoảng 15.000 người đã tham gia lễ cầu nguyện vào buổi tối tại Christchurch trong một công viên gần ngôi đền Masjid al Noor, một trong hai địa điểm xảy ra vụ tấn công. Nhiều phụ nữ không theo đạo Hồi đã trùm khăn của người Hồi giáo tại buổi lễ để thể hiện sự ủng hộ đối với người Hồi giáo. Buổi lễ bắt đầu bằng lễ cầu kinh Hồi giáo, tiếp đó đọc tên các nạn nhân.

Người dân tham gia lễ cầu nguyện vào buổi tối tại Christchurch. (Nguồn: AP) 

Trong khi đó, hơn 1.000 người đã tham gia tuần hành chống phân biệt chủng tộc tại trung tâm thành phố Auckland. mang theo biểu ngữ "Mạng sống của người di cư là quan trọng" và "Người tị nạn được chào đón ở đây".

Theo cuộc điều tra dân số năm 2013, người Hồi giáo chỉ chiếm 1% trong tổng dân số 4,8 triệu người của New Zealand, trong đó đa số là được sinh ra ở nước ngoài.

Văn phòng Thủ tướng New Zealand thông báo nước này sẽ tổ chức lễ tưởng niệm toàn quốc vào ngày 29/3 tới để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng kinh hoàng tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch cách đây 2 tuần. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết các cư dân Christchurch cũng như nhiều người từ khắp cả nước và trên thế giới sẽ hòa cùng buổi lễ diễn ra tại Christchurch tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu. Bà Ardern nhấn mạnh: "Buổi lễ này sẽ là cơ hội để một lần nữa thể hiện rằng người New Zealand đầy tình thương và bao dung, và chúng ta sẽ bảo vệ những giá trị đó". 

Vụ xả súng hôm 15/3 vừa qua tại Christchurch là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand. Phần lớn trong số 50 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo là người nhập cư và công dân đến từ các nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somalia... Nghi can chính trong vụ việc này là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi và là kẻ mang quan điểm "da trắng thượng đẳng".

(theo TTXVN)