📞

Vực dậy 'sức khỏe' thị trường bất động sản hậu Covid-19

Bảo Lan 16:02 | 10/01/2023
2023 là năm bản lề để thực hiện các chỉ tiêu phát triển thị trường bất động sản (BĐS) bền vững.

Thị trường BĐS Việt Nam đã phát triển và phân chia thành một lĩnh vực riêng biệt trong nền kinh tế kể từ năm 2007. Sự phát triển của thị trường này có tác động dây chuyền đến hàng trăm ngành nghề khác của nền kinh tế.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, năm 2023 là năm bản lề để thực hiện các chỉ tiêu phát triển thị trường BĐS trong giai đoạn mới, Chính phủ cần có ngay những giải pháp đồng bộ để thị trường phát triển ổn định và bền vững, nhất là vực dậy “sức khỏe” thị trường sau giai đoạn khó khăn do đại dịch.

Chính phủ Việt Nam cần phải có ngay những giải pháp đồng bộ để thị trường phát triển an toàn và bền vững. (Ảnh: Bảo Lan)

Ngành quan trọng của nền kinh tế

Trong Báo cáo mới đây tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 (17/12), Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đã chỉ ra, ngành kinh doanh BĐS nằm trong 21 ngành kinh tế cấp 1, trong tổng số 1.371 ngành kinh tế quốc gia.

Theo đó, biến động của thị trường BĐS có tác động dây chuyền và trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, từ các lĩnh vực có liên quan trực tiếp như: nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội – ngoại thất, các nhà môi giới, các tổ chức tín dụng, lĩnh vực du lịch, dịch vụ và cả thị trường chứng khoán… Thậm chí, còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cũng như sự ổn định xã hội.

Trong Đề tài khoa học “BĐS trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cũng chỉ ra, thị trường BĐS có khả năng “liên quan” đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác trong nền kinh tế, nhất là những ngành có liên quan trực tiếp. Đồng thời, trở thành cầu nối quan trọng giữa các thị trường và góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường.

Đề tài nêu ra dẫn chứng: khi nhu cầu sử dụng cuối cùng (Final demand) của ngành BĐS tăng 1 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số liệu phân tích đã chỉ ra, năng suất lao động của ngành BĐS cao hơn năng suất lao động chung của nền kinh tế khoảng 10 lần (khảo sát của Tổng cục Thống kê). Trường hợp giá trị của ngành BĐS thay đổi giảm 10% thì: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng trực tiếp và giảm tới 0,861%; tiếp theo là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; du lịch giảm 0,352%; dịch vụ khác giảm 0,348%… ngành chịu ảnh hưởng thấp nhất là công khiệp khai thác giảm 0,210%.

Như vậy, nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập về ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp của ngành BĐS đến nền kinh tế có thể đạt 40-50% là hoàn toàn có cơ sở. Cho thấy, thị trường BĐS “khỏe” hay “yếu” đều có liên quan và tác động trực tiếp đến sự phát triển nhanh hay chậm của nền kinh tế.

Để phát triển an toàn và bền vững

Có thể kết luận, thị trường BĐS là đòn bẩy và tác động trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cũng như một số nghiên cứu về thị trường BĐS cho thấy, thực tế thị trường BĐS Việt Nam đang có quá nhiều bất cập và vướng mắc, khiến cho thị trường quan trọng này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu, cũng như quy mô của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch của VNREA cho rằng, BĐS là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này, song, hiện nay luật của chúng ta vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, vẫn chồng chéo giữa các luật với nhau.

Ông Nam đưa ra minh chứng, trong gần một thập kỷ qua, thị trường BĐS Việt Nam luôn phải đối diện với tình trạng sốt giá ảo, phân khúc cần không đủ cung, luật chồng chéo khiến thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý kéo dài, các nhà đầu tư luôn gặp khó khăn khi triển khai dự án, điều này đã tác động tiêu cực lên toàn bộ thị trường, chưa kể đến những khó khăn đến từ sau đại dịch Covid-19.

Vì vậy, “VNREA mới đây đã có đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan trung ương về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà thị trường BĐS đang gặp phải. Trong đó, một số giải pháp tổng thể đã được VNREA thống nhất gửi lên Chính phủ, bao gồm các gói hỗ trợ thị trường, vướng mắc pháp lý và tín dụng...”, ông Nam cho biết.

Trong khi đó, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khuyến cáo, việc cần làm là phải thay đổi bắt đầu từ cách xây dựng luật pháp, cần rõ ràng đến mức các quy định chỉ có một cách hiểu. Không thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó khăn và chồng chéo trong thực thi.

“Hệ thống luật pháp chồng chéo, khó hiểu, tạo nhiều cách hiểu. Điều này chắc chắn không thể đảm bảo cho tính phát triển bền vững. Vì hiểu nhiều cách cũng sẽ tạo ra nhiều cách vận dụng khác nhau, thiếu thống nhất và đồng bộ, nhất là tạo khả năng lợi dụng để trục lợi từ quá trình phát triển”, GS. Đặng Hùng Võ nêu.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA, một đơn vị chuyên nghiên cứu về thị trường BĐS cũng cho hay, việc phát triển các dự án BĐS từ dự án căn hộ cho đến các BĐS công nghiệp, thương mại và BĐS ứng dụng, đồng thời, câu chuyện về du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ... đều nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo ông Lâm, giữa bối cảnh dòng vốn trong nước đang bị ảnh hưởng, thì dòng vốn đến từ FDI sẽ là “cứu tinh” cho thị trường này. Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Lâm cho biết, mặc dù vừa trải qua đại dịch nhưng số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong chín tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào thị trường BĐS đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021, chiếm 18,5% tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lâm cho biết, tính minh bạch về thị trường đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Thị trường càng minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài càng quan tâm.

Nếu thị trường không đủ minh bạch, không có đủ thông tin và dữ liệu, giao dịch chậm và quyền sở hữu đất đai không rõ ràng, tất cả đều đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng, tiềm năng về BĐS Việt Nam rất lớn và cơ hội để phát triển xứng tầm với quy mô là rất nhiều, nhưng Chính phủ Việt Nam nên cần phải nhanh chóng có nhiều giải pháp đồng bộ, điều chỉnh, sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nếu giải quyết được những “nút thắt”, sẽ không chỉ cải thiện và giúp thị trường BĐS phát triển an toàn, bền vững, mà còn là đòn bẩy hữu hiệu để thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các quỹ tài chính quốc tế.