Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). (Nguồn: Tư liệu TTXVN) |
Quan hệ Việt Nam – Lào là mối quan hệ đồng chí, anh em thắm thiết, gắn bó keo sơn, mẫu mực, thủy chung, trong sáng; là tài sản vô giá được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã không ngừng được vun đắp, củng cố, hợp tác phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Mối quan hệ đặc biệt
Không chỉ bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, quan hệ Việt Nam-Lào còn phát triển từ sự sẻ chia trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung và sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ngày 5/9/1962, sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, tình đoàn kết đặc biệt, sự gắn bó thủy chung giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, không ngừng phát triển, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc.
Kế thừa và phát huy truyền thống quý báu đó, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã không ngừng chăm lo, bảo vệ, vun đắp, phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia lên tầm cao mới; khẳng định tình đoàn kết ngày càng được củng cố, phát triển sâu rộng, hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Đánh giá về quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định, hiếm có với một nước nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào.
“Qua các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao, ngoài việc tăng cường sự tin cậy gắn bó lẫn nhau, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng cho quan hệ hai nước trong một thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, làm cho mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Sự hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương được chủ động tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện
Về chính trị, hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức sôi nổi, rộng khắp các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, chào mừng 55 năm Ngày Thiết lập quan hệ Ngoại giao (1962-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977-2017), góp phần tuyên truyền sâu rộng về tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào.
Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước không ngừng tăng cường và được triển khai tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về huấn luyện, đào tạo. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng, hợp tác chặt chẽ và đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước.
Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới giữa hai nước.
Trong năm 2017, hai bên đã hoàn thành Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào; ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.
Hai bên tiếp tục đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên giới Việt Nam - Lào. Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam được triển khai tốt. Hai bên đã tìm kiếm và quy tập được hàng nghìn bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Lào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác tại Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, diễn ra từ ngày 4-5/2/2018. (Ảnh: Bảo Chi) |
Đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã đồng chủ trì Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 4-5/2/2018 tại Thủ đô Vientiane, Lào.
Trong năm 2018, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, trong đó có thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 40; thúc đẩy quan hệ chính trị-đối ngoại-an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều năm 2018 tăng hơn 10% so với năm 2017; mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, tạo lối ra cho kinh tế Lào hướng ra biển, trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, hợp tác quản lý sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước và quản lý khai thác chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, hai nước ủng hộ và hợp tác tốt tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; cùng thống nhất với quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, mọi tranh chấp giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật biển UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm đàm phán ký Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Việt Nam: Nhà đầu tư hàng đầu của Lào
Thời gian qua, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã không ngừng phát triển, trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ Việt Nam – Lào.
Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào có những bước phát triển đáng kể, tăng bình quân 4%/năm giai đoạn 2011-2016. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào năm 2017 đạt trên 935 triệu USD, tăng gần 13,6% so với năm 2016; năm 2018, con số này đạt trên 1,03 tỷ USD. Năm 2019, Chính phủ hai nước đề ra chỉ tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng từ 10% trở lên. Các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú.
Đầu tư trực tiếp (FDI) giữa Việt Nam và Lào cũng có nhiều khởi sắc, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào.
Dự án thủy điện Xekaman 1 - một trong 2 dự án đầu tư tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. (Nguồn: Vietlao Power) |
Hai dự án tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam là dự án thủy điện Xekaman 1 và Xekamanxanxay đã sản xuất điện bán sang Việt Nam, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Lào. Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong dự án phát triển Cảng Vũng Áng 1, 2, 3 và thỏa thuận mua-bán điện sẽ càng giúp gia tăng giá trị thương mại song phương.
Năm 2017, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới; tổ chức thường xuyên các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm đến thị trường hai nước…
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án sử dụng vốn viện trợ cũng đạt kết quả tốt mà cụ thể là trong năm 2018 đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng 12 dự án. Đồng thời, các ngành và các địa phương của hai nước cũng tăng cường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác thiết thực và hiệu quả. Các cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai nước cũng được thảo luận, điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước cũng như luật pháp quốc tế.