📞

Vườn thiếu nhi Việt tại Paris

10:02 | 23/08/2014
Để giữ gìn văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ gốc Việt tại Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp đang tạo ra một khu vườn nhiều màu sắc dành cho các em với rất nhiều hoạt động phong phú hướng về nguồn cội.
Các bé được học hát và múa theo các chủ đề về quê hương, ông bà, gia đình, ngày lễ tết...

Thứ Bảy - về nguồn

Vào mỗi thứ Bảy, thời gian trong năm học kéo dài từ tháng 9 đến tháng 6 năm sau, tầng ba của Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Paris lại ngập tràn tiếng cười, tiếng hát và phát âm tiếng Việt của các bé. Dù tổ chức trong điều kiện còn thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng ngày càng nhiều phụ huynh là người nước ngoài gốc Việt hoặc có chồng hoặc vợ là người Việt mà chưa giao tiếp được bằng tiếng Việt, dẫn con em đến đăng ký tham gia khóa học và các hoạt động sôi nổi tại đây.

Các lớp học thường bắt đầu từ 14h00. Lớp học tiếng Việt có hai trình độ: vỡ lòng và nâng cao. Đối với các giáo viên, khi nhìn thấy các cô bé, cậu bé gốc Việt ngồi say sưa nghe kể chuyện hoặc giơ tay phát biểu về những bài tập tiếng Việt, họ vui mừng và tự hào vì thấy từng con chữ quê hương đang thấm vào các em.

Cũng vào buổi chiều thứ Bảy, tại các lớp học khác, các bé được học hát và múa theo các chủ đề về quê hương, ông bà, gia đình, ngày lễ tết và những điệu múa truyền thống như múa quai thao, múa hoa sen, múa quạt… Đặc biệt, trong lúc các bé học hát và múa thì phụ huynh của các em cũng sẽ học tiếng Việt cơ bản để họ có thể giao tiếp thành thạo với con khi ở nhà. Đây chính là cách để giúp các bé không quên bài học trong tuần và trau dồi thêm văn hoá Việt ngay từ các phụ huynh.

Thời gian cuối buổi chiều thứ Bảy thường dành cho hoạt động thể chất với môn Việt Võ Đạo và lớp học xiếc… Những hoạt động này được kết hợp hài hoà giữa những lớp tri thức, buổi văn nghệ và giờ thể chất cùng sự giao lưu, trao đổi, nô đùa bằng tiếng Việt. Tại đây, phụ huynh và các em luôn cảm nhận được bầu không khí ấm cúng. Họ mời nhau trà nóng, rồi chia sẻ với nhau chuyện gia đình, bếp núc, khẩu vị, những chủ đề hoàn toàn của Việt Nam.

Trong mùa khai giảng mới vào tháng 9 tới, Ban chủ nhiệm chương trình thiếu nhi của Hội người Việt tại Pháp sẽ tổ chức 7 hoạt động: học tiếng Việt, hát, múa truyền thống, nhảy break dance, bắn cung, võ, đàn, tranh. Một số điểm mới trong hoạt động này là sẽ có phòng chiếu phim, nhạc cho các học sinh, đặc biệt là dự án "Những nghệ sĩ nhỏ tuổi" hướng đến những những tài năng, tiềm năng trên các lĩnh vực: hát, múa, nhạc cụ dân tộc... Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ, phụ đạo nếu như có thiên hướng theo bằng tú tài với môn ngoại ngữ là tiếng Việt.

Gieo hạt văn hóa truyền thống

Có lẽ, với các em thiếu nhi kiều bào được sinh ra và lớn lên tại Pháp, Tết Trung thu do Hội người Việt tổ chức hàng năm giữa lòng Paris chính là sự kiện ấn tượng nhất, giúp các em được tiếp cận gần hơn với văn hóa Việt Nam qua mâm cỗ Trung Thu và các trò chơi dân gian… Đây cũng là hoạt động ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, lòng yêu thương dành cho thế hệ tương lai của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Mỗi năm vào tháng 9, Tết Trung thu tại đây thường thu hút từ 400 - 600 người đến tham gia.

Lễ Trung thu năm nay sẽ được Hội tổ chức vào ngày 7/9 với nỗ lực quảng bá một lễ hội đẹp của Việt Nam với hình ảnh sum họp gia đình trong đêm trăng sáng nhất trong năm, cùng hướng về một năm học thành công cho trẻ em nhỏ. Chương trình sẽ được tổ chức với ba không gian: Không gian Giáo dục với ngày giới thiệu các hoạt động giáo dục của năm học 2014-2015 với sách và đồ dùng học tập. Không gian Gặp gỡ dành cho các phụ huynh, khách mời và Không gian Trò chơi Trung Thu miễn phí dành cho các em thiếu nhi với các quầy trò chơi như thả diều, câu cá, ô quan, nhảy bao bố, bắn cung, gấp máy bay, thả thuyền giấy… cùng chương trình văn nghệ, lễ rước đèn, phá cỗ Trung Thu.

Hiện nay, Hội Việt Nam tại Pháp vẫn tiếp tục xây dựng Quỹ "Gieo hạt Văn hóa". Mục đích của Quỹ nhằm để giúp những gia đình Việt khó khăn đóng học phí, trang bị các phòng học (bảng, máy in ấn, máy xem phim, tivi, máy tính) và những phương tiện thiết kế một không gian nhỏ Việt Nam như dụng cụ học tập, sách vở, hình ảnh, trò chơi, đồ chơi… Hội cũng lập ra một trang web riêng dành cho thiếu nhi và các phụ huynh với mong muốn tạo ra sân chơi sinh hoạt vui vẻ. Dù chỉ là những bước đi nhỏ ban đầu trong chặng đường dài, những hoạt động trên đây đã tạo kỷ niệm thơ ấu cho các bé trong hành trình tìm về nguồn cội của mình.

LÊ AN