📞

Vương quốc Anh: Chính phủ thắt chặt chính sách nhập cư, lượng sinh viên quốc tế giảm mạnh, nhiều trường đại học có nguy cơ thâm hụt tài chính

Chu Văn 11:17 | 13/01/2024
Theo tổ chức Universities UK (UUK), nhiều trường đại học tại Anh có nguy cơ thâm hụt tài chính lớn do lượng sinh viên quốc tế giảm mạnh sau khi chính phủ thắt chặt chính sách nhập cư.
Vương quốc Anh: Chính phủ thắt chặt chính sách nhập cư, lượng sinh viên quốc tế giảm mạnh, nhiều trường đại học có nguy cơ thâm hụt tài chính. (Nguồn: visco.edu.vn)

Bà Vivienne Stern, Giám đốc điều hành Universities UK, tổ chức đại diện hơn 140 trường đại học tại Anh, cho biết, ngành giáo dục đại học chịu tác động lớn do chính sách nhập cư ngăn cản sinh viên quốc tế đến Anh học tập.

Bình luận của bà Stern được đưa ra khi một số trường đại học hàng đầu, trong đó có Đại học York, đã buộc phải giảm các yêu cầu đầu vào để duy trì số lượng sinh viên nước ngoài. Với mức học phí 9.250 bảng Anh (khoảng 11.790 USD) được duy trì trong 10 năm qua cho sinh viên trong nước, các trường đại học Anh ngày càng phụ thuộc vào sinh viên nước ngoài, hiện chiếm gần 20% thu nhập của ngành, để duy trì tài chính.

Các trường đại học cảnh báo số lượng sinh viên quốc tế đăng ký nhập trường giảm mạnh vào tháng 1/2024, với những dấu hiệu cho thấy số lượng tuyển sinh có thể đã giảm hơn 1/3 tại các quốc gia trọng điểm như Nigeria và Ấn Độ.

Dữ liệu từ Enroly, một nền tảng web quản lý tuyển sinh đại học được 1/3 sinh viên quốc tế sử dụng, cho thấy số tiền đặt cọc giữ chỗ tại các trường đại học Anh của sinh viên quốc tế giảm 37% so với năm ngoái.

Thủ tướng Sunak hồi đầu tháng tuyên bố những thay đổi trong chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn sinh viên quốc tế theo học bậc thạc sỹ đưa thành viên gia đình đến Anh. Tháng 12 năm ngoái, chính phủ cũng tuyên bố đánh giá lại cơ chế cho phép sinh viên quốc tế được ở lại Anh làm việc trong hai năm sau khi tốt nghiệp, đồng thời ngăn chặn "các khóa học giá trị thấp”.

Phân tích mới đây của tập đoàn PwC cho thấy, sự kết hợp giữa số lượng sinh viên quốc tế và sinh viên Anh đều giảm, học phí không tăng trong khi lương nhân viên tăng đặt ra thách thức lớn cho ngành giáo dục đại học, vốn đóng góp 71 tỷ Bảng cho nền kinh tế Anh.

Phân tích của PwC dựa trên lợi nhuận tài chính năm 2021-22 của 70 thành viên UUK ở England và Bắc Ireland cho thấy khoảng 40% số trường dự kiến sẽ bị thâm hụt trong năm 2023-24 và tỷ lệ này sẽ giảm xuống 19% vào năm 2025-26.

Phân tích cho thấy nếu tốc độ tăng trưởng sinh viên quốc tế đình trệ trong năm học 2024-25, tỷ lệ các trường đại học thâm hụt tài chính sẽ tăng từ 19% lên 27%. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ tăng trưởng sinh viên quốc tế giảm từ 13-18%, 80% số trường sẽ bị thâm hụt.

Theo phân tích này, áp lực tài chính gia tăng có thể buộc các trường đại học trì hoãn đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo bà Stern, để duy trì ổn định cho ngành giáo dục đại học, cần tăng học phí phù hợp với mức lạm phát, tăng trợ cấp giảng dạy của chính phủ đồng thời ổn định thị trường quốc tế thông qua việc duy trì cơ chế cho phép sinh viên tốt nghiệp ở lại Anh trong hai năm.

Thứ trưởng phụ trách giáo dục đại học, Robert Halfon, khẳng định chính phủ tập trung vào việc đảm bảo cân bằng giữa hành động kiên quyết để giảm lượng nhập cư ròng hiện đang quá cao, đồng thời thu hút những sinh viên sáng giá nhất đến học tại các trường đại học Anh.

(theo UUK)