📞

Vượt bão hoàn hảo, đầu tàu kinh tế châu Âu có thể trở lại ‘lợi hại hơn xưa’?

Minh Anh 15:08 | 26/04/2024
Những tín hiệu cải thiện trong nền kinh tế Đức đã làm dấy lên hy vọng rằng, nền kinh tế dẫn đầu châu Âu vốn đang ì ạch - mặc dù chưa bắt đầu tăng tốc - nhưng ít nhất có thể tự đứng vững trở lại.
Đầu tàu kinh tế châu Âu đang trở lại ‘lợi hại hơn xưa’? (Nguồn: Collage The Gaze)

Chính phủ Đức vừa tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024, khẳng định có những dấu hiệu cho thấy đang ở một “bước ngoặt” sau khi vượt qua thời kỳ suy yếu. Bộ Kinh tế Đức cho biết, sản lượng dự kiến của nước này sẽ tăng 0,3% trong năm nay, tăng so với dự đoán 0,2% vào hồi tháng 2. Bức tranh tươi sáng hơn một chút xuất hiện sau khi các chỉ số chính được cải thiện - từ sản lượng của các nhà máy đến hoạt động kinh doanh - làm tăng hy vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

“Một cơn bão hoàn hảo”

Xuất khẩu yếu, năng lượng đắt đỏ và quá trình chuyển đổi xanh chậm chạp đã kết hợp lại để tạo thành một "cơn bão hoàn hảo" tác động lên kinh tế Đức, khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz mâu thuẫn về cách thay đổi hướng đi.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã kết thúc năm 2023 trong tình trạng suy thoái, giảm 0,3%. Truyền thông Đức cho biết, nước này cũng có nguy cơ phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng yếu kém đến năm 2028 nếu không có hành động nào được thực hiện.

Hồi đầu tháng 2/2024, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định, nền kinh tế Đức vốn là động lực tăng trưởng của khu vực đồng Euro, đang bị ảnh hưởng bởi "một cơn bão hoàn hảo". Ông còn nói thêm rằng, tình hình “rất tồi tệ”.

Ngành công nghiệp hùng mạnh một thời của Đức đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi nhiều cơn gió ngược. Trước đây vốn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu giá rẻ của Nga, lĩnh vực này vẫn đang quay cuồng vì giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết. Chuỗi tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng thêm “nỗi đau” làm giảm nhu cầu và đầu tư.

Xuất khẩu của Đức sụt giảm do giao dịch yếu hơn với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc - nền kinh tế đang ngày càng tự chủ trong sản xuất hàng hóa. Căng thẳng địa chính trị bao gồm cả sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ đã làm tăng thêm những khó khăn trong thương mại.

Trong khi đó, sự chuyển đổi được hứa hẹn sang một nền kinh tế xanh hơn, đòi hỏi cả đầu tư công và đầu tư tư nhân lớn, đã gặp phải những trở ngại mới sau một phán quyết pháp lý gây sốc vào năm ngoái buộc chính phủ phải suy nghĩ lại một số kế hoạch chi tiêu cho khí hậu. Các khoản trợ cấp xanh hấp dẫn ở Mỹ đã thu hút một số công ty Đức - những người phàn nàn về việc chính phủ của Thủ tướng Scholz thiếu các ưu đãi.

Tuần này, các tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF và Bayer nằm trong số khoảng 60 công ty đưa ra lời kêu gọi chung tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thúc giục thông qua một "thỏa thuận công nghiệp châu Âu" để giúp kéo lĩnh vực này ra khỏi tình trạng ảm đạm.

Lời kêu gọi nêu rõ: “Nếu không có chính sách công nghiệp có mục tiêu, châu Âu nguy cơ trở nên phụ thuộc ngay cả vào hàng hóa và hóa chất cơ bản. Châu Âu không thể để điều này xảy ra!”...

Bước ngoặt của kinh tế Đức

Nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong năm ngoái do lạm phát tăng cao, sản xuất chậm lại và sự yếu kém của các đối tác thương mại, đồng thời trở thành lực cản lớn đối với 20 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro.

Tuy nhiên, khi đưa ra những dự báo mới nhất, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố “ngày càng có nhiều dấu hiệu về một bước ngoặt".

"Dấu hiệu phục hồi kinh tế đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong những tuần gần đây”, Bộ trưởng Habeck cho biết trong một cuộc họp báo. Theo đó, Bộ này cũng cắt giảm dự báo lạm phát trong năm nay xuống còn 2,4%, từ mức dự đoán trước đó là 2,8% và dự đoán con số này sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tới.

Ông Habeck đầy tin tưởng: “Lạm phát giảm sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng gia tăng - mọi người lại có nhiều tiền hơn trong ví và sẽ tiêu số tiền này. Từ đó, sức mua đang tăng lên, tiền lương thực tế đang tăng lên và điều này sẽ góp phần phục hồi kinh tế trong nước".

Quan chức này nói thêm, giá năng lượng - vốn đã tăng vọt sau cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine từ tháng 2/2022 - cũng đã giảm và những khó khăn trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt.

Nửa cuối năm 2023, người ta kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, với dự báo tăng trưởng trên 1%, nhưng những kỳ vọng này đã bị đảo ngược vào đầu năm khi nền kinh tế tiếp tục suy yếu.

Bởi vậy, những dấu hiệu cải thiện đã làm dấy lên hy vọng rằng, nền kinh tế dẫn đầu châu Âu vốn đang ì ạch - mặc dù chưa bắt đầu tăng tốc - nhưng ít nhất có thể tự đứng vững trở lại.

Một cuộc khảo sát được theo dõi bởi Viện Ifo cho thấy, tâm lý kinh doanh đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4 và mạnh mẽ hơn dự kiến. Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu khác về chỉ số của các nhà quản lý mua hàng cho thấy hoạt động kinh doanh ở Đức đã khởi sắc.

Và tuần trước, Ngân hàng trung ương Bundesbank đưa ra dự báo, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên, tránh được một cuộc suy thoái như dự báo trước đó.

Bất chấp triển vọng cải thiện của nền kinh tế Đức, tốc độ tăng trưởng 0,3% vẫn chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển khác và thấp hơn mức trước đây của chính họ. Các quan chức lo ngại, tốc độ tăng trưởng này khó có thể tăng nhanh trong những năm tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, cần có các giải pháp cho những vấn đề sâu xa mà nước này đang phải đối mặt, từ dân số già đến tình trạng thiếu lao động và quá trình chuyển đổi sang các ngành công nghiệp xanh hơn đang diễn ra quá chậm.

Là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu, nhưng “Đức đã tụt hậu so với các nước khác về khả năng cạnh tranh. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm - chúng ta phải xắn tay áo lên!", Bộ trưởng Habeck tỏ ra sốt ruột.

Trên thực tế, vốn đã phải đối mặt với sự hỗn loạn từ những tai ương trong chuỗi cung ứng liên quan đại dịch Covid-19, các vấn đề của nền kinh tế Đức càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt, ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất quan trọng của Đức, biến nước này thành nền kinh tế yếu kém của châu Âu.

Nhưng khi cú sốc năng lượng đã tạm qua đi, sự yếu kém kéo dài của các đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc, các cuộc đình công lan rộng trong những tháng gần đây và lãi suất khu vực đồng Euro cao đều đang góp phần kéo dài nỗi đau của kinh tế Đức.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phát đi tín hiệu rằng, họ có thể bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay vào tháng 6, điều này sẽ thúc đẩy khu vực đồng Euro. Nhưng Bộ trưởng Habeck cảnh báo rằng, vẫn cần phải thận trọng vì bất chấp những kỳ vọng về việc nới lỏng sắp xảy ra, thì thực tế "chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa được dỡ bỏ".

Ngoài ra, theo các nhà phê bình, chính những bất đồng về quan điểm trong liên minh cầm quyền ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đang cản trở nỗ lực khơi dậy tăng trưởng.

Những khó khăn kinh tế đã góp phần làm giảm mạnh sự ủng hộ dành cho chính phủ. Kế hoạch loại bỏ trợ cấp nhiên liệu nông nghiệp đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng trước, nhiều nông dân bày tỏ không hài lòng với Thủ tướng Scholz và các đối tác liên minh của ông.

Tổng thư ký FDP Bijan Djir-Sarai gần đây đặt câu hỏi về tương lai của liên minh. Ông cũng cho rằng, “Một bước ngoặt kinh tế là cần thiết”. Liệu liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz có đủ khả năng thực hiện những thay đổi cần thiết hay không sẽ là "điểm quyết định trong những tuần và tháng tới".

(theo thelocal.de)