📞

Vượt 'bão táp', kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng ấn tượng, bí quyết là gì?

Gia Thành 20:32 | 26/09/2022
Vượt muôn trùng khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 10,21% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng ấn tượng. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Tăng trưởng ấn tượng

Trong 9 tháng năm 2022, Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thứ, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; ảnh hưởng của tình hình thế giới; tình trạng cung cấp điện thiếu ổn định; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bao phủ vaccine Covid-19 trên diện rộng và hoàn thành tương đối tốt các mục tiêu kinh tế.

Cụ thể, trong 9 tháng năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh ước đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 29.830 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ.

Có được thành quả này là do quyết sách đúng đắn, triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch. Đây là nhân tố mang tính quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng, Quảng Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước về thu hút khách với tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần cùng kỳ.

Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao nhờ sự ổn định phát triển ngành than, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 6 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.

Với mục tiêu cả năm 2022 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao tỷ lệ giải ngân, chất lượng công trình đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tất cả các cấp, các ngành trong quý IV/2022.

Tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương; đổi mới xúc tiến, thu hút đầu tư FDI thế hệ mới vào lĩnh vực công nhân chế biến, chế tạo; sâu sát đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, nhất là các dự án động lực; hoàn thành vững chắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Ký lưu ý, cần phát triển doanh nghiệp, sản phẩm mới, du lịch dịch vụ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung vào các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế Quảng Yên và phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn gắn với khai thác hiệu quả vịnh Bái Tử Long và không gian du lịch mới lạ, khác biệt từ tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả tạo ra. Khẩn trương xúc tiến, kêu gọi đầu tư hoàn thành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái...

Quảng Ninh hiện là tỉnh sở hữu tuyến cao tốc dài nhất cả nước. (Nguồn: Kinh tế đô thị)

Ba bí quyết của Quảng Ninh

Đánh giá về kết quả kinh tế Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký cho rằng, sự cố gắng vượt bậc, sự đóng góp to lớn của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức tạo nên kết quả quan trọng, tương đối toàn diện, nổi bật và đậm nét trong thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2022.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Đó là sức mạnh tổng hợp để tỉnh giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả Covid-19; giữ vững sự ổn định chính trị-kinh tế-xã hội, sự đoàn kết, thống nhất; giữ vững đà tăng trưởng; giữ vững các quyết sách đổi mới; giữ vững niềm tin trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, khối đại đoàn kết; giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển”.

Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022, ông Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ ra ba điểm nổi bật giúp tỉnh có những cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế, đồng thời lan tỏa giá trị, lợi ích đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân và du khách. Đó là:

Thứ nhất, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động với ASEAN.

Tỉnh Quảng Ninh có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí).

Về văn hóa, xã hội, đất Mỏ là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Nơi đây có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử, thương cảng Vân Đồn và mạng lưới di tích lịch sử-văn hóa lâu đời… đã giúp hình ảnh về mảnh đất này biết đến rộng rãi trong nước và quốc tế.

Thứ hai, những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, trọng tâm ưu tiên của Quảng Ninh là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy-hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng dịch vụ, du lịch, hạ tầng đô thị.

Tỉnh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị.

Thứ ba, chính quyền địa phương luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường.

Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch.

Phát triển kinh tế biển, Quảng Ninh cùng với Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái xanh-sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn với lợi thế vượt trội của hơn 6.000km2 mặt biển; xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.