📞

Vượt Mỹ, Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất được 'săn lùng' nhiều thứ hai thế giới

Việt An 09:22 | 24/08/2021
Ấn Độ đã nổi lên là điểm đến sản xuất được "săn lùng" nhiều thứ hai trên toàn thế giới. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà sản xuất đối với quốc gia này.
Hoạt động sản xuất của Ấn Độ cũng đã cho thấy khả năng phục hồi tốt trong và sau khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 diễn ra. (Nguồn: Getty Images)

Nguyên nhân mang lại sức hấp dẫn ngày càng tăng vào Ấn Độ có thể là nhờ điều kiện kinh doanh và khả năng cạnh tranh về chi phí của nước này.

Ngoài ra, sự thành công đã được chứng minh của quốc gia Nam Á trong việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cũng góp phần nâng mức xếp hạng hằng năm của nước này để trở thành trung tâm sản xuất được ưa thích.

Năm nay, Ấn Độ đã vượt qua Mỹ để vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ sau Trung Quốc. Còn Mỹ đã lùi lại vị trí thứ ba, vốn thuộc về Ấn Độ trong bảng xếp hạng năm ngoái.

Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Anshul Jain cho biết, Ấn Độ đã chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ. Hoạt động sản xuất của nước này cũng đã cho thấy khả năng phục hồi tốt trong và sau khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 diễn ra.

Nhưng để có được niềm tin của nhà đầu tư lớn hơn và mở ra chiến lược "Make In India", nước này sẽ phải giải quyết các vấn đề cải cách đất đai và lao động, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực.

Các trung tâm sản xuất lớn nhất của châu Á-Thái Bình Dương đã phục hồi mạnh mẽ khi các nền kinh tế trên toàn cầu mở cửa trở lại và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm chủ chốt.

Trưởng bộ phận tầm nhìn và phân tích khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Cushman &Wakefield Dominic Brown nhận thấy, các thị trường khác cũng tận dụng nhu cầu cao đối với các sản phẩm chính như vi xử lý, chip máy tính và dược phẩm.

Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ giá trị tăng vọt của chất bán dẫn, xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ và sự thiếu hụt sản phẩm toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Brown cho rằng, các nhà sản xuất hàng may mặc quanh khu vực tiếp tục phải "vật lộn" với tình trạng nhu cầu thấp, ảnh hưởng đến các thị trường như Ấn Độ và Indonesia - những nước cũng đang chịu tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai và thứ ba.

Chỉ số đánh giá các vị trí thuận lợi nhất cho sản xuất toàn cầu trong số 47 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương được xác định dựa trên 4 thông số chính: Khả năng của quốc gia để khởi động lại sản xuất; môi trường kinh doanh bao gồm sự sẵn có của tài năng và nhân lực; khả năng tiếp cận thị trường; chi phí hoạt động và các rủi ro như chính trị, kinh tế và môi trường.

Sự thay đổi trong vị trí xếp hạng của Mỹ và Ấn Độ được cho là bởi việc di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các khu vực khác của châu Á khi bất đồng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa chấm dứt.

Mặc dù nằm trong số 3 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường sản xuất toàn cầu, nhưng Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua khi nói đến các lĩnh vực như quản lý rủi ro địa chính trị liên quan đến hoạt động kinh doanh và khả năng khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

(theo Economic Times)