Ngoại trưởng Bắc Macedonia Buyar Osmani (trái) và người đồng cấp Bulgaria Teodora Genchovska ký kết nghị định thư ở Sofia ngày 17/7. (Nguồn: DTT.net) |
Chính phủ Bulgaria thông báo: “Hôm nay, Bulgaria và CH Bắc Macedonia đã ký nghị định thư song phương theo Điều 12 của Hiệp ước Hữu nghị, láng giềng thân thiện và hợp tác năm 2017".
Điều này đánh dấu sự kết thúc của một quá trình đàm phán khó khăn, trong đó "cả 2 chính phủ đều thể hiện lòng dũng cảm và ý chí chính trị để vượt qua sự khác biệt".
Chính phủ Bulgaria nêu rõ: "Điều này bảo vệ đầy đủ các quyền của người Bulgaria cũng như lợi ích quốc gia ở Bắc Macedonia. Đó là lý do tại sao quyết định nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể tại Quốc hội, kể cả từ phe đối lập, dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Sofia và đảm bảo cho các lợi ích của đất nước".
Ngoại trưởng Bắc Macedonia Bujar Osmani đã ca ngợi "cơ hội lịch sử" tại lễ ký kết ở thủ đô Sofia của Bulgaria để quốc gia của ông bắt đầu các cuộc đàm phán trở thành thành viên EU.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, viết: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khởi động càng sớm càng tốt các hội nghị liên chính phủ ở Brussels về đàm phán gia nhập với Bắc Macedonia cũng như Albania”.
Cho đến nay, Bulgaria, quốc gia thành viên EU, đã ngăn chặn các cuộc đàm phán gia nhập EU của Bắc Macedonia vì tranh chấp liên quan các vấn đề ngôn ngữ và lịch sử. Tranh chấp cũng khiến các nỗ lực gia nhập EU của Albania bị đình trệ.
Tháng trước, Quốc hội Bulgaria đã đồng ý dỡ bỏ quyền phủ quyết của mình để đổi lấy sự đảm bảo của EU rằng Bắc Macedonia sẽ đáp ứng một số yêu cầu nhất định về các vấn đề gây tranh cãi.