Tháng 3/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ bắt đầu xử lý thị thực cho người Cuba ở Havana để giảm lượng hồ sơ tồn đọng sau 4 năm gián đoạn. (Nguồn: Getty Images) |
Theo một số nguồn tin, phái đoàn Cuba do Thứ trưởng Ngoại giao Carlos Fernandez de Cossio dẫn đầu sẽ gặp các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và các bộ, ngành khác.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực giải quyết vấn đề di trú từ Mexico, trong đó người Cuba chiếm tỷ lệ ngày càng tăng. Mỹ muốn Cuba nhận lại nhiều người bị trục xuất hơn trong số người Cuba đến biên giới Mỹ-Mexico.
Trong khi đó, Cuba ủng hộ việc di cư hợp pháp, có trật tự và an toàn. Havana đổ lỗi cho Washington về vấn đề di trú, nhấn mạnh các lệnh trừng phạt thời Chiến tranh lạnh và quyết định đóng cửa Lãnh sự Mỹ đã khuyến khích người Cuba tìm kiếm con đường rủi ro hơn.
Căng thẳng song phương vẫn tiếp diễn do các cáo buộc và lệnh trừng phạt của Mỹ với Cuba. Điều này sẽ khiến hai nước khó hợp tác trong giải quyết thách thức như vấn đề di trú.
Trước đó, hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ bắt đầu xử lý thị thực cho người Cuba ở Havana để giảm lượng hồ sơ tồn đọng sau 4 năm gián đoạn, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm.
Cùng ngày, Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Olga Skorobogatova cho biết, đơn vị này đang chuẩn bị ra mắt tại Cuba thẻ Mir (Thế giới), thuộc Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK).
Theo bà Skorobogatova, Cuba là một trong số các nước muốn hợp tác với Nga và dự án phát hành thẻ nói trên sẽ là bước quan trọng giúp nối lại các hoạt động của du khách Nga tại đảo quốc Caribbean này.
Thẻ Mir của Nga hiện đã được chấp nhận ở Abkhazia, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nam Ossetia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Việt Nam.
Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng một nhóm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, bao gồm lệnh cấm sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế Visa và MasterCard, khiến các công dân Nga khó thực hiện giao dịch ở nước ngoài.