📞

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống 2-2,5%

Vân Chi 19:59 | 13/10/2021
Với GDP giảm sâu trong quý III/2021 và phụ thuộc lớn vào quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt nam năm 2021 tăng trưởng chỉ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8.
Ngành công nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan. (Nguồn: VNE)

Ngày 13/10, WB tại Việt Nam đã công bố cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2021, trong đó chỉ ra những tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư.

GDP quý III/2021 giảm đáng kể

Theo WB, GDP trong quý III/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.

Do đó, mặc dù nửa đầu năm 2021 có kết quả tăng trưởng tốt, mức suy giảm sâu vừa ghi nhận, khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ được ước tính tăng trưởng từ 2,0% đến 2,5%, tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021.

Đây là mức dự báo thấp hơn đáng kể so với con số 4,8% mà WB công bố tại thời điểm tháng 8/2021.

Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan. Các nhà máy sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đều hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn, do các hạn chế đi lại tiếp tục được áp dụng. Trong khi đó, các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc (trừ Hà Nội) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ kiểm soát đại dịch thành công. Ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tương đối vững, tăng trưởng 1,0% (so cùng kỳ năm trước).

Báo cáo của WB cho thấy, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,6% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng nhập khẩu chững lại. Chính vì vậy, đây là tháng đầu tiên có thặng dư thương mại kể từ tháng 4/2021.

Xuất khẩu gần như đi ngang, chủ yếu là do mức giảm 28,3% (so với cùng kỳ năm trước) của xuất khẩu giày da, dệt may và gỗ, nhóm mặt hàng chiếm đến 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái tiếp tục tăng và một số ngành hàng đạt kết quả rất tốt: điện thoại thông minh (tăng 15,2%), máy móc, thiết bị (tăng 10,9%), máy vi tính & sản phẩm điện tử (tăng 3,0%). Xuất khẩu dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng do đóng cửa biên giới, giảm 10,8% (so cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu dịch vụ tăng 6,9% (so cùng kỳ năm trước) do chi phí vận tải và bảo hiểm tăng vọt.

Lạm phát vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nhu cầu trong nước còn yếu, trong khi tiền đồng tiếp tục tăng giá danh nghĩa trên thị trường chính thức trong nước. Tăng trưởng tín dụng giảm tốc do cầu tín dụng suy yếu vì các hoạt động kinh tế chững lại, nhưng vẫn tương đương với các mức trước đại dịch nhờ ngân hàng tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy nhiên, WB vẫn lạc quan rằng, với số lượng ca nhiễm mới bắt đầu giảm, Hà Nội và một số địa phương đã nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt giúp cho mức độ đi lại, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng bắt đầu hồi phục, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với cách đây một năm.

Thị trường lao động xấu đi đáng kể

Báo cáo của WB cũng cho thấy bức tranh khá ảm đạm của thị trường lao động Việt Nam do tác động sâu rộng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư.

Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III/2021 giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý II/2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1,0 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian.

Mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% (so quý trước) và 12,1% (so cùng kỳ năm trước), một bước lùi đáng kể trong quá trình phục hồi thu nhập bắt đầu từ quý III/2020.

Diễn biến xấu đi của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

FDI tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với tháng trước, một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 90,7% so với tháng trước), trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc. Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% (so cùng kỳ năm trước).

Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% (so tháng trước), mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% (so cùng kỳ năm trước).

Cần sớm hồi phục kinh tế

Báo cáo của WB nhận định, qua kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại.

WB khuyến nghị, Việt Nam cần nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng; giúp gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên.

Các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Trước hết, giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu.

Thứ hai, mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc.

Thứ ba, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.